ThienNhien.Net – Nhà máy đốt rác này có 100% vốn đầu tư nước ngoài, do một công ty của Úc xây dựng trong thời hạn 33 tháng.
Tin từ Tuổi Trẻ cho biết ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương xây Nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma của công ty Úc Trisun Green Energy Corporation, diện tích khoảng 13 ha tại khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Với hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, nhà máy đốt rác này dùng hệ thống đèn đốt plasma, đưa nhiệt độ lên cao từ 3.000-7.000 độ trong điều kiện thiếu oxy để tạo năng lượng sét, tiêu hủy các loại chất thải.
TP.HCM sẽ chi trả chi phí xử lý rác với các loại chất thải rắn sinh hoạt (đơn giá 20,628 USD/tấn). Riêng chất thải công nghiệp, rác nguy hại, rác y tế sẽ do nhà đầu tư trực tiếp đàm phán hợp đồng với các chủ nguồn thải theo quy định.
Ngoài xử lý rác, nhà máy đốt rác này có sử dụng nhiệt năng chuyển hóa thành điện năng tái sử dụng vận hành cho nhà máy, phần dư sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá 10,05 cent/Kwh. Còn nguyên liệu không gây hại thải ra sau khi đốt được làm vật liệu xây dựng.
Thời gian xây dựng và hoàn thành nhà máy đốt rác này được dự kiến trong 33 tháng, vận hành 50 năm.
Từ cuối năm 2011, đề án xin xây dựng nhà máy đốt rác của công ty Trisun Green Energy đã được trình UBND TP.HCM đánh giá và kiểm định.
Trisun Green Energy còn cam kết ký quỹ 5 triệu USD bảo đảm thực hiện dự án đúng thời hạn và sẵn sàng mất số tiền ký quỹ này nếu không thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đánh giá nhà đầu tư đã đáp ứng các tiêu chí của thành phố.
Công nghệ Plasma được đánh giá cao ở những ưu điểm vượt trội trong xử lý chất thải (xử lý triệt để tất cả các loại chất thải, trừ phóng xạ); công suất nhà máy cao, suất sử dụng đất thấp; thu hồi và tái tạo được năng lượng, vật liệu…
Dự kiến nhà máy này có khả năng xử lý tất cả các loại chất thải (trừ phóng xạ) với công suất xử lý 2.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày; 700 – 1.000 tấn chất thải công nghiệp, nguy hại/ngày; bùn thải các loại từ 1.000 – 2.000 tấn/ngày.
Dự án này cũng nằm trong chủ trương khuyến khích thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM, nhất là trong lĩnh vực môi trường.
Hiện mỗi ngày TP.CHM thải ra 7.000 tấn rác và phần lớn trong đó được xử lý bằng cách chôn lấp ở bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh).