ThienNhien.Net – Sáng kiến “Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai” là thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong khuôn khổ APEC, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và khu vực.
Chính sách còn thiếu bền vững
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có nguy cơ cao nhất về thiên tai, thảm họa. Thiệt hại về vật chất của khu vực này chiếm đến 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu.
Để ứng phó với thiên tai, Chính phủ các nước phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ, tuy nhiên, khoản ngân sách này được đánh giá mới chỉ bù đắp được trung bình khoảng 30% các thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra. Do đó việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro (DFRI) là vô cùng cần thiết, để chuyển giao rủi ro, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.
Hiện tại, Việt Nam đang duy trì 4 nhóm chính sách tài chính và bảo hiểm liên quan đến rủi ro thiên tai, bao gồm: Nhóm chính sách liên quan đến thu NSNN; nhóm chính sách liên quan đến chi NSNN; nhóm chính sách liên quan đến bảo hiểm rủi ro thiên tai; nhóm các chính sách chi từ các quỹ ngoài NSNN.
Đánh giá việc thực hiện cách chính sách này, Bộ Tài chính cho biết: Chính sách tài chính nhằm phòng, chống, khắc phục rủi ro thiên tai đã được ban hành tương đối đầy đủ, bao gồm cả các chính sách liên quan đến thu và chi ngân sách, đồng thời đáp ứng được việc hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các khâu: từ khâu phòng, chống thiên tai đến khâu khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, các chính sách được lồng ghép trong nhiều lĩnh vực khác nhau (thuế, hải quan, dự trữ, bảo trợ xã hội, nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi, xây dựng, giao thông, môi trường…) nên bao quát tương đối đầy đủ, toàn diện các nhu cầu cần được hỗ trợ, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai và hậu quả của thiên tai.
Tính trong giai đoạn 2011-2015, bên cạnh nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương, tổng số hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh là 11.239 tỷ đồng (20% tổng dự phòng).
Ngoài ra, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cũng được sử dụng để xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như: bổ sung cho các bộ, ngành mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp (1.800 tỷ đồng); xử lý, khắc phục điểm sạt lở; hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng công trình kè sạt lở, xử lý khẩn cấp sạt lở, diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn…
Trong 5 năm qua, tổng giá trị hàng đã xuất cấp để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú y, giống cây trồng… là trên 4.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm trên 47.000 tấn gạo cho các địa phương để cứu đói cho người dân vùng bị thiên tai.
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, do Việt Nam chưa có một chiến lược, mô hình quản trị rủi ro thiên tai nên các chính sách tài khóa nhằm ứng phó với rủi ro thiên tai được ban hành nhiều nhưng chưa mang tính hệ thống, logic, bổ trợ cho nhau.
Hơn nữa, mặc dù chính sách hiện hành vẫn đảm bảo thực hiện cho các nhiệm vụ chi cho khắc phục thiên tai, nguồn kinh phí từ NSNN mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hàng năm do đó, tính bền vững, ổn định của các giải pháp này cũng là vấn đề cần quan tâm.
Đặc biệt, NSNN dành cho đầu tư phát triển sau thiên tai, thảm họa vẫn còn thiếu thốn. Trong điều kiện thiên tai xảy ra với tần suất và mức độ ngày càng lớn và trên diện rộng, ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn khi xảy ra các thiên tai lớn (50-100 năm một lần) cả về hỗ trợ khẩn cấp và tái đầu tư phục hồi cơ sở hạ tầng…
Nguồn ngân sách dành cho công tác cứu trợ sau thiên tai chỉ đầy đủ một cách tương đối vì trên thực tế mỗi khi thiên tai xảy ra hầu hết các ngân sách các địa phương đều không đảm bảo, phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Được tổ chức ngay bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017, hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai” do Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì vào ngày 21/2/2017 đã đạt được mục tiêu thảo luận chuyên sâu về một trong những ưu tiên của Hội nghị đồng thời trao đổi xây dựng kế hoạch triển khai cho cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017.
Thông qua hội thảo, 16 bài tham luận đã thống nhất rằng sáng kiến “Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai” là thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong khuôn khổ APEC, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và khu vực.
Trong số các giải pháp tài chính ứng phó với thiên tai, bảo hiểm là một công cụ hữu hiệu, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng về NSNN, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch và phòng, chống thiên tai.
Để phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai, các nền kinh tế cần tăng cường cơ sở hạ tầng và giám sát thị trường bảo hiểm thông qua xây dựng một mô hình rủi ro thiên tai đánh giá được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của tổn thất từ thiên tai, chuẩn hóa biểu mẫu cơ sở dữ liệu đơn bảo hiểm và tổn thất phát sinh.
Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện sáng kiến, các chuyên gia và đại diện các nền kinh tế APEC cũng chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Theo đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tài sản công và xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Cuối cùng, Hội thảo đã thảo luận về định hướng và các hoạt động ưu tiên nhằm triển khai sáng kiến “Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai” trong APEC năm 2017.
Trong đó, tập trung vào các trọng tâm: Xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và cấp địa phương; xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai và phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai.
Việc triển khai thực hiện sáng kiến cần được thực hiện thông qua các hội thảo, hội nghị trong tiến trình Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC năm 2017 và thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên gia giữa các nền kinh tế thành viên; và các hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.