ThienNhien.Net – Sau gần 2 giờ đồng hồ luồn rừng, vượt núi cheo leo, chúng tôi tận mắt chứng kiến rừng quế cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang “sừng sững” trên đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ. Để rừng quế cổ thụ tồn tại cho đến bây giờ, công đầu phải nói đến quyết tâm giữ rừng của đồng bào Ca dong nơi đây.
Quy ước giữ rừng
Rừng quế cổ thụ, kỳ bí trên đỉnh Ngọc Linh thuộc địa phận xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sau khi cùng người dân thổ địa vượt hàng chục ngọn đồi, đối mặt với những cung đường lầy lội, chúng tôi có mặt tại khu vực có rừng quế “lão niên” này.
Đập vào mắt là hàng chục cây quế cổ thụ 3 người ôm mới xuể. Do cây đã lớn, rêu xanh mọc đầy thân nên nếu như không có người bản địa hướng dẫn thì mọi người không nhận ra đây là loài quế Trà My nức tiếng một thời.
Nhiều cây quế mọc cheo leo bên sườn núi, cao ngất ngưởng, rễ đâm sâu vào những ngách đá như muốn chứng minh với thiên nhiên là để tạo ra hương vị quế Trà My nổi tiếng, chúng phải chịu bao nắng gió, mưa bão, thậm chí là ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá.
Là người dẫn chúng tôi đến tận từng gốc quế vì mỗi gốc quế cổ thụ có khi cách nhau cả trăm mét đường núi, già làng Bùi Xuân Đường (nóc ông Ní, xã Trà Vân) cho biết: rừng quế có từ lâu rồi, bên cạnh mỗi năm trồng thêm cây quế con thì mỗi gia đình nơi đây cũng có khoảng vài chục gốc quế tự nhiên từ “mẹ rừng”. Mặc dù khó khăn bộn bề, nhưng chúng tôi đều quyết tâm giữ rừng quế.
Để rừng quế tồn tại và phát triển đến tận bây giờ, công đầu phải kể đến đồng bào Ca dong ở vùng cao Trà Vân còn nhiều khó khăn nhưng đầy nghĩa tình này.
Già làng Hồ Văn Đạo, năm nay đã 76 tuổi cho biết: khi tôi lớn lên thì đã thấy những cây quế cổ thụ này rồi. Quế là loài cây quý của núi rừng Ngọc Linh, nó giúp người dân chữa bệnh cho mình cũng như chữa bệnh cho động vật nuôi trong nhà. Từ hàng trăm năm nay, thương hiệu quế Trà My đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhiều khi điều kiện gia đình khó khăn nên một số hộ dân cũng muốn khai thác để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ rừng, chúng tôi đã ngầm quy ước với nhau là không được bán quế, cũng như tàn phá rừng quế cổ thụ này. Do trình độ người dân nơi đây còn thấp nên chúng tôi chỉ thỏa thuận bằng miệng chứ không có văn bản, giấy tờ gì. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn kiên quyết giữ rừng quế.
Để hương quế Trà My bay xa
Xã Trà Vân, huyện Nam Trà My có 10 nóc, thuộc 3 thôn có tổng dân số là 2.600 người. Trong đó, đồng bào người dân tộc Ca dong chiếm 98%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%.
Người dân ở nóc ông Ní là địa bàn có nhiều người sở hữu quế cổ thụ lớn nhất. Nóc ông Ní có trên 60 hộ dân, trung bình mỗi gia đình sở hữu ít nhất khoảng 15 gốc quế tự nhiên có tuổi đời trên 100 tuổi. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi lợn đen, trồng lúa rẫy… nên đời sống còn nhiều khó khăn khi thiên nhiên không thuận lợi.
Ông Hồ Văn Huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết: người dân Trà Vân còn nghèo, nhưng ý thức giữ rừng của bà con là rất đáng trân trọng. Những cây quế cổ thụ hiện nay có thể bán ra thị trường với giá hàng chục triệu đồng/cây nhưng bà con vẫn không muốn bán. Để “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm cứ đến khoảng đến tháng 12 dương lịch thì người dân tiến hành lấy hạt. Đối với cây quế cổ thụ trên 100 năm tuổi thì mỗi năm cho khoảng 3 ang hạt, mỗi ang khoảng 30 lon hạt giống. Số tiền thu được theo giá thị trường hiện nay thì trung bình mỗi cây quế đem lại 4,5 triệu đồng.
Quế Trà My đã được các nhà khoa học đặt tên CINNAMONNUM CASIA, thuộc họ innamonnum, là dòng họ đứng đầu của 4 loại quế mọc ở Đông Dương, với hàm lượng ALDEHYT CINNAMIC 95% trong tinh quế. Quế Trà My hơn hẳn các loại quế ở Nghệ An, Thanh Hóa về chất lượng, và sớm trở thành một nguồn dược liệu vô cùng quý giá đối với cả đông y lẫn tây y.
Quế Trà My được biết đến với cái tên “Cao sơn Ngọc quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng nên có giá trị cao so với các loại quế khác và đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương, một sản phẩm giá trị về kinh tế và tinh thần, ngày càng làm đẹp thêm dải đất giàu có nằm bên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Quế là một vị thuốc quý, được dùng nhiều trong Đông y và Tây y, có tác dụng kích thích làm tăng sự tuần hoàn máu, gây co mạch, tăng bài tiết, gây co bóp tử cung, sát trùng, chữa đau bụng, đi tả.
Kinh nghiệm dân gian của các dân tộc người Cor, Ca dong, Xê đăng ở vùng núi Trà My, khi gặp những bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, trúng gió… Họ mài vỏ quế trong nước rồi uống bệnh sẽ thuyên giảm. Từ đó người ta mới phát hiện được rằng cơ thể con người tiếp giáp với quế sẽ ngăn ngừa được các chứng phong hàn, cảm lạnh, nhức đầu…
Hiện trên thị trường giá bán mỗi kg quế Trà My loại khô, dạng kẹp với mức khoảng 60.000 đồng/kg. Mỗi cây con sau khi ươm hạt nảy mầm sẽ bán được 1.000 đồng/cây. Chính vì cây quế cho lại giá trị kinh tế như vậy nên trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng “quế tặc” trên địa bàn. Để bảo vệ yên bình cuộc sống cũng như tài sản của người dân, cơ quan chức năng mà chủ công là lực lượng công an xã phối hợp với người dân tăng cường tuần tra địa bàn, kịp thời phát hiện những đối tượng lạ mặt hoặc có ý đồ xấu.
Ông Đinh Mươk, Chủ tịch Hội Quế Trà My tỉnh Quảng Nam cho biết: trong thời gian qua, bên cạnh trồng giống quế bản địa một số người dân mua cây quế giống từ nơi khác về Quảng Nam trồng. Do đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nguồn giống nên những loại quế ngoại lai không mang lại hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí là sản phẩm còn bị ép giá vì không đạt những tiêu chuẩn cần thiết. Hội đã phối hợp với ngành chức năng thực hiện đề án phát triển cây quế bản địa. Trước mắt, Hội vận động người dân nhân rộng diện tích quế bản địa, đồng thời liên hệ với các điểm chế biến quế thành phẩm để bao tiêu sản phẩm cho người trồng quế Trà My.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: để bảo tồn và phát triển loài quế bản địa, huyện đã lập đề án và trình cơ quan chức năng phê duyệt. Quan điểm của huyện là sẵn sàng mua lại những cây quế cổ thụ của người dân và giao cho chính họ chăm sóc. Có như vậy, những cây quế Trà My mới giữ được đúng những hương vị, tiêu chuẩn mà từ xưa nó vốn có.