ThienNhien.Net – TP Đà Nẵng đang nghiên cứu mua hai máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle – UAV) để phục vụ công tác quản lý đô thị. Nếu chính thức mua hai máy bay này thì đây là TP đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình quản lý đô thị bằng phương pháp đặc biệt này.
KTS Hồ Duy Diệm, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch – Bộ Xây dựng, cho rằng với thành tựu của khoa học kỹ thuật và sự phát triển của các đô thị thì việc áp dụng UAV vào quản lý đô thị là việc nên làm. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để mang lại hiệu quả thiết thực.
Phát hiện nhanh, chính xác
. Phóng viên: Thưa ông, TP Đà Nẵng đang nghiên cứu để mua hai chiếc UAV để quản lý đô thị, việc này mang lại lợi ích gì?
+ Ông Hồ Duy Diệm: Về mặt khoa học kỹ thuật, muốn phấn đấu trở thành một TP thông minh thì việc áp dụng các thành tựu khoa học vào phục vụ cho công tác quản lý của TP là rất tốt, trong đó có việc dùng UAV để quản lý đô thị. Quản lý đô thị là vấn đề rất phức tạp vì bao gồm nhiều lĩnh vực như quản lý giao thông, xây dựng, khai thác tài nguyên, an ninh trật tự xã hội, quản lý rừng, phòng cháy chữa cháy… Nên việc đưa UAV vào áp dụng nhằm phát hiện nhanh, chính xác, có bằng chứng cụ thể qua hình ảnh ghi lại những vi phạm ở các lĩnh vực nói trên, giúp cơ quan quản lý can thiệp, giải quyết kịp thời. Tóm lại đây là việc rất cần thiết.
. Xu hướng thế giới cũng đang sử dụng UAV để quản lý đô thị, vì sao thưa ông?
+ UAV đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng để quản lý đô thị. Ví dụ, mấy chục năm trước thì Nga đã sử dụng để quản lý đô thị. Sử dụng phương tiện này rất cơ động, khi xảy ra sự việc thì tới được ngay, có việc cần là có thể cất cánh ngay. Nó còn có thể giúp quản lý tại những khu vực rừng sâu nước thẳm hoặc nguy hiểm mà con người khó vào được.
Hai khó khăn
. Theo ông, những khó khăn trước mắt nào đặt ra với TP khi áp dụng UAV vào quản lý đô thị?
+ Theo tôi, ở Đà Nẵng khi triển khai UAV sẽ vướng hai vấn đề. Thứ nhất, ngay trong lòng TP hiện có hai sân bay (sân bay phục vụ quân sự và sân bay quốc tế dân dụng – PV) và mật độ bay ngày càng lớn thì việc quản lý vùng trời đối với các thiết bị bay không người lái sẽ cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Việc muốn bay cần phải được phép của các lực lượng chức năng quản lý không lưu. Đây sẽ là khó khăn khi các cơ quan chức năng chưa quen với sự có mặt của UAV trên vùng trời TP. Cái thứ hai trong vấn đề đưa UAV vào quản lý đô thị là phải tính đến tính hiệu quả. Mua máy bay về nhưng không hiệu quả thì mua làm gì. Ngoài ra, TP cũng cần phải chuẩn bị đội ngũ có chuyên môn để điều hành, xử lý thông tin từ máy bay.
. Ông có thể nói rõ hơn về tính hiệu quả mà ông đề cập?
+ Như trên tôi đã nói, dùng máy bay không người lái chỉ cần 5-10 phút là biết những chuyện xảy ra trong TP như tai nạn giao thông, xây dựng nhà trái phép, cháy, chặt rừng, khai thác lậu khoáng sản… Tuy nhiên, quan trọng nhất là biết ngay như vậy rồi để làm gì, biết rồi có quyết liệt xử lý hay không. Tức là khi mua máy bay về thì anh cũng phải tính đến bài toán hiệu quả xử lý, vấn đề này đòi hỏi TP phải có quyết tâm cao.
. Xin cám ơn ông.
Hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành TP thông minh
Tại cuộc họp với đại diện Geoscan giữa tháng 2-2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thống nhất: “Trong năm 2017, Đà Nẵng sẽ tiến hành tập huấn và đưa vào vận hành công nghệ Geoscan trong quản lý đô thị”. Geoscan là hệ thống công nghệ tiên tiến của thế giới với tính năng khảo sát kỹ thuật, dựng mô hình 3D để có thể ứng dụng được hầu hết trong nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý đô thị, kiểm soát môi trường, thiết kế đường bộ… Trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ tiến hành ứng dụng Geoscan trong quản lý đô thị trên các phương diện quy hoạch đô thị; công tác địa chính và sai sót trong kiểm kê quỹ đất; giám sát xây dựng… Có thể nói việc hướng đến ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị cho thấy rõ quyết tâm của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành TP thông minh. (Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng) Vài nét về máy bay không người lái Máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle – UAV) là dạng máy bay không có phi công trên máy bay, có thể bay do trạm kiểm soát dưới mặt đất điều khiển hoặc do được lập trình sẵn. Những ứng dụng của UAV trên thế giới trước tiên là cho mục đích quân sự, tuy nhiên gần đây được ứng dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và dân sự. UAV ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như trình độ khoa học, nhất là trong những trường hợp mà con người khó tiếp cận hoặc nơi nguy hiểm. Từ năm 2013 Việt Nam đã chính thức nghiên cứu về UAV. Đến nay Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chế tạo thành công UAV và đã có những đóng góp cho kinh tế quốc dân, an ninh và quốc phòng của đất nước. TNT tổng hợp Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dự kiến Sở Xây dựng nghiên cứu mua hai UAV của Nga và lắp đặt thiết bị camera đặc dụng để giám sát trật tự đô thị và khai thác khoáng sản. Trị giá hai máy bay chưa tính được cụ thể nhưng có thể có giá hàng tỉ đồng. |