ThienNhien.Net – Trước tình trạng các mỏ đá gây ô nhiễm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống người dân, chính quyền các tỉnh miền Đông Nam Bộ mới đây đã tỏ thái độ dứt khoát nhằm chấm dứt tình trạng này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh nhấn mạnh, nếu các chủ mỏ không đảm bảo về môi trường sẽ rút giấy phép khai thác. Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, nếu phát hiện các đơn vị khai thác mỏ còn gây ô nhiễm môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Chịu hết xiết…
Theo quy hoạch đến năm 2020, Đồng Nai có 31 mỏ đá được khai thác trên diện tích hơn 273ha. Hiện có 26 mỏ đã khai thác, phần lớn ở huyện Vĩnh Cửu (18 mỏ). Các DN đang tiến hành khai thác 13 mỏ, khối lượng hơn 7,9 triệu m3/năm. |
Hiện nay, cả một khu vực tổ 6 (thôn Tân Sơn, Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) phủ một màu trắng đục của bụi đá. Người dân ở đây cho biết, năm 1993, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu khai thác đá và người dân phải sống chung với bụi cho đến nay. Nhất là những năm gần đây, khi các DN tăng công suất khai thác, lấn sâu vào khu dân cư thì lượng bụi phả ra từ các mỏ khai thác đá gây ô nhiễm không khí đã trở nên trầm trọng hơn. Ông Nguyễn Văn Thật – người dân ở đây kể, trước đây ông trồng rau trên khu vườn rộng khoảng 500m2, nhưng giờ ông đã bỏ hoang vì cả khu vườn ngập tràn bụi.
Tuy nhiên, cái người dân sợ nhất là mỗi lần nổ mìn khai thác đá. “Bụi tung trắng xóa, đá bay vào nhà, vào người và gia súc” – ông Lê Văn Dũng, người dân trong thôn bức xúc.
Đại diện Phòng Tài nguyên -Môi trường huyện Tân Thành cho biết, cách khả dĩ nhất là di dời các hộ dân ra khỏi khu vực khai thác đá, nhưng giờ giữa người dân và DN vẫn chưa thống nhất được giá đền bù.
Nếu người dân thôn Tân Sơn ám ảnh vì bụi đá và nổ mìn thì người dân sống ven đường 768 (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) luôn thường trực nỗi sợ những chiếc xe ben chở đá như “hung thần” lao rầm rầm trên đường và xả bụi mù mịt. Bà Nguyễn Thị Hiền – một người dân sống ở đây than thở, suốt ngày nhà bà phải chịu cảnh bụi mù mịt. Thậm chí, bà đã đóng kín cửa, dùng nylon bịt kín những khe hở nhưng bụi vẫn len vào trong nhà. “Nắng thì bụi, mưa thì lầy chịu không xiết” – bà than.
Xã Thiện Tân hiện có 9 mỏ khai thác đá và 11 bến thủy nội địa tập kết cát, đá đang hoạt động. Hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện lao trên đường 768 chở đá từ mỏ ra các bến tập kết. Những chiếc xe này không được che đậy cẩn thận nên trong quá trình di chuyển vật liệu rơi vãi đầy đường.
Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Vĩnh Cửu cho biết, đã làm việc nhiều lần với các chủ mỏ đá, bến thủy nội địa để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm vấn đề này nhưng tình trạng gây ô nhiễm môi trường vẫn cứ tồn tại gây nhức nhối cho người dân.
Không đảm bảo là rút phép
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mới đây sở đã cho kiểm tra 22 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị đều vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ở các điểm khai thác đá còn có nguy cơ gây sạt lở, như: Tại một số vị trí khai thác đá xây dựng ở mỏ Châu Pha của Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai thác vượt cao độ theo giấy phép đến 5m; Mỏ đá xây dựng núi Ông Trịnh của Công ty CP Phước Hòa Fico nhiều vị trí có đá treo trên vách tầng, có nguy cơ sạt lở…
Phó phòng Giám định Sở Xây dựng Phạm Đức Quý cho biết, qua kiểm tra, Sở Xây dựng đã nhắc nhở các đơn vị cần nhanh chóng chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm nêu trên. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các DN hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, nếu phát hiện các đơn vị sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trong khi đó, trong đợt kiểm tra của UBND tỉnh mới đây cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản đã được các DN chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, vận chuyển, vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đá còn rơi rớt vung vãi trên đường, gây bức xúc cho người dân.