Sửa luật để nghiêm trị hành vi gây ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Làm sao để xử lý nghiêm các tội vi phạm về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên họp UB Thường vụ QH góp ý dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự 2015, sáng nay.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần hạ các mức lưu lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga

Quan điểm nhất quán của Nhà nước là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất.

Theo bà Nga, nếu thực hiện theo bộ luật Hình sự năm 2015, nhiều vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được.

Vì vậy, để nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, dự thảo luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường.

Góp ý, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý vấn đề môi trường vô cùng nghiêm trọng, nếu viết như dự thảo rất khó xử, không thận trọng lại rơi vào vết xe cũ, không xử lý được ai.

Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đặt vấn đề: “Dựa vào tiêu chí nào để định lượng về ô nhiễm môi trường? Thực tế có những chuẩn mực chênh nhau 250 lần”.

Theo ông, cần nêu lý lẽ vì sao đưa định mức như vậy và tham khảo chuẩn quốc tế. Cụ thể, đối với nước phát triển chuẩn mực nào, nước đang phát triển chuẩn mực nào. Cần có thông số cụ thể tránh các nhà đầu tư lúng túng vì không có chuẩn mực.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn, nếu giữ nguyên như bộ luật năm 2015 thì không xử được ai vì định lượng cao quá.

“Còn giảm xuống thì theo chuẩn mực nào? Trong khi chúng ta đang có phong trào không gây khó khăn cho DN, giảm định lượng ô nhiễm môi trường xuống thì DN phải đầu tư nhiều. DN đầu tư cao quá sẽ giảm năng lực cạnh tranh”, ông Định phân tích và đề nghị Chính phủ nên có ý kiến chính thức về việc này.

Khó xử hình sự

Nói về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, bà Nga cho hay có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP đang xảy ra phổ biến hiện nay.

Theo UB Tư pháp, bộ luật Hình sự 2015 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng.

“Thời gian qua dư luận bức xúc với thực trạng mất vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm. Nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này”, bà Nga nói.

UB Tư pháp cho rằng, việc xử lý hình sự phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về ATTP nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm thì chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý, qua giám sát tối cao ATTP vừa qua cho thấy vấn đề ATTP đến mức báo động, nhiều địa phương còn báo động đỏ.

Dẫn chứng 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng mới xảy ra tại Lai Châu làm 8 người chết, 27 người nhập viện và Hà Giang hơn 60 người ngộ độc, ông Hiển cho biết từ khâu đầu đến cuối đều có vi phạm.

Vì vậy ông cho rằng dự luật mới sửa theo hướng giảm nhẹ như thế khó xử lý hình sự.

“Nếu tinh thần sửa thế này thì chả xử lý được ai. Có tình trạng sử dụng chất cấm, cấm rồi mà vẫn sử dụng thì đấy là vi phạm phải xử”, ông Hiển nói.

Ông đề nghị giữ nguyên mức phạt cũ và bổ sung thêm quy định nếu xử hành chính rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm thì xử hình sự.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc dự thảo quy định chứng minh hậu quả tổn hại sức khỏe 30-60% mới xử lý hình sự là rất khó.

“Tôi đề nghị việc sử dụng chất cấm không nhất thiết phải chứng minh hậu quả như dự thảo ghi”, ông Bình nói.

Nguồn: