ThienNhien.Net – Có những ngày, mức ô nhiễm không khí tại Hà Nội đạt đến ngưỡng cao nhất thế giới, tờ The Guardian (Anh) đưa tin.
Từ một tòa văn phòng cao tầng bậc nhất Hà Nội, Trần Dũng (25 tuổi) hầu như không thể nhìn thấy đường chân trời đằng sau lớp sương mù dày đặc. Trước khi rời khỏi văn phòng, anh kiểm tra mức độ ô nhiễm trên ứng dụng AirVisual. Phần mềm này cho phép theo dõi PM2.5 – chỉ số về kích thước cũng như mật độ những hạt trôi nổi trong không khí, khói bụi.
Mức PM2.5 ở Hà Nội thường dao động 100-200μg/m3 – mức ô nhiễm trung bình, được khuyến cáo là không tốt với tất cả mọi người. Đặc biệt có những ngày như 19/10/2016, PM2.5 lên tới 343μg/m3 – mức cực kỳ ô nhiễm, cao hơn cả Bắc Kinh, tờ The Guardian nhấn mạnh.
Theo số liệu của Trạm đo lường chất lượng không khí (AQIVN) đặt tại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, năm 2016 có ít nhất 15 ngày mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội lên đến mức “vô cùng nguy hiểm” với chỉ số PM2.5 trên 300μg/m3. Thậm chí ngày 5/10/2016 mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội cao nhất thế giới, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Đình Nam, một giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội, không cần ứng dụng này cũng biết rất rõ chất lượng không khí ở đây. “Mỗi ngày tôi đi làm bằng xe máy trên quãng đường khoảng 8km. Bụi đường bám đầy trên mặt và quần áo”, The Guardian dẫn lời anh.
4 năm trước, Nam chuyển đến Dương Nội, một khu đô thị mới xa trung tâm thành phố, với hy vọng thoát khỏi ô nhiễm và tắc đường. Tuy nhiên, chính sách mở rộng của Hà Nội với các khu chung cư cao tầng và khu công nghiệp mọc lên như “nấm sau mưa” khiến cho mong muốn này hoàn toàn thất bại.
Khói bụi từ các phương tiện giao thông, công trường xây dựng và khu công nghiệp đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân như Nam. Ngoài chiếc khẩu trang mỏng manh, anh không có cách nào khác để bảo vệ bản thân và các con mình.
Khi Hà Nội khởi động tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên vào ngày cuối cùng của năm 2016, những người như Nam hy vọng rằng BRT mới sẽ làm giảm phần nào trong tổng số 5 triệu xe máy chạy trên đường, từ đó giảm tắc nghẽn và ô nhiễm trong thành phố. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng làn riêng của BRT chiếm gần một nửa đường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn do các phương tiện giao thông khác không còn đường đi.
Một báo cáo chính thức từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, số hành khách BRT đã tăng hơn 62% trong 12 ngày đầu tiên ra mắt, trung bình 41 hành khách mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, con số này cho thấy BRT vẫn hoạt động chưa hết công suất khi mỗi chuyến có thể vận chuyển khoảng 90 hành khách. Hơn nữa, hầu hết khách đi BRT vẫn chỉ là sinh viên hoặc người già.
The Guardian đã trích dẫn phát biểu của Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (CEMM), ông cho biết: “Về lý thuyết, BRT sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách làm giảm số lượng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức khi mà hệ thống cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn chưa đồng bộ và đầy đủ, đi kèm với thói quen tham gia giao thông của người dân rất khó thay đổi”.
Hà Nội hiện có khoảng 1,3 triệu người sử dụng xe buýt hằng ngày, một con số khá khiêm tốn so với hàng triệu người điều khiển xe gắn máy, đó là chưa kể tới số lượng ô tô cá nhân đang ngày càng tăng. Văn hóa xe máy đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân Hà Nội. Nam cũng như nhiều người khác cho rằng BRT sẽ làm giảm sự linh động của mình trong nhiều việc. “Việc sử dụng BRT sẽ rất bất tiện với tôi, tôi khó có thể đón con cũng như làm những công việc khác”, Nam nói.
Và như vậy, việc đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục là thách thức cho các cơ quan chức năng cũng như người dân Hà Nội, The Guardian nhận định.