ThienNhien.Net – Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác của APEC về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp (EGILAT) diễn ra trong hai ngày 20-21/2, tại TP. Nha Trang. Đây là cuộc họp đầu tiên của Nhóm EGILAT được tổ chức trong khuôn khổ năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai.
Cuộc họp thu hút các nhóm EGILAT từ 21 nền kinh tế thành viên, các quan sát viên và các tổ chức quốc tế, các khu vực khác quan tâm đến ngành lâm nghiệp nói chung và vấn đề chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp nói riêng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết diện tích rừng của các nền kinh tế APEC chiếm khoảng 53% diện tích rừng thế giới, 60% tổng sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới, 80% tổng thương mại gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu. Do vậy, nhiệm vụ của mỗi nền kinh tế là phải bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững thông qua việc thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp.
Để thực hiện nhiệm vụ này và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC về thương mại gỗ hợp pháp, Nhóm EGILAT được thành lập từ năm 2011 tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của APEC.
Ở Việt Nam, ngành lâm nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân sống trong khu vực rừng. Trong những năm qua, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã nỗ lực ngăn chặn phá rừng, thực thi pháp luật, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, từng bước chuyển từ nhiều rừng sang rừng có chất lượng tốt hơn và đã đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2000-2015, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% năm 2010 lên 40,84% năm 2015.
Trong hơn thập kỷ qua, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế và xã hội, từng bước khẳng định vị thế quan trọng trên thị trường gỗ và nội thất quốc tế. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người dân và cộng đồng địa phương. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng khắt khe của nước nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ.
Ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam sẽ nỗ lực tổ chức thành công các cuộc họp của Nhóm EGILAT nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, đồng thời tích cực thảo luận và đưa ra các sáng kiến, dấu ấn của Việt Nam vào chương trình hành động cũng như các dự án của APEC.
Trong hai ngày làm việc, cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm EGILAT sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin về chống khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp của các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh pháp luật liên quan đến tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ của một số nền kinh tế như Mỹ, Australia, Canada có sự thay đổi, đóng góp ý kiến xây dựng Hướng dẫn gỗ hợp pháp của EGILAT. Cuộc họp cũng sẽ thảo luận về các đề xuất dự án của các nền kinh tế thành viên liên quan đến kiểm soát chuỗi cung ứng, chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, góp phần vào quản trị rừng và phát triển bền vững của APEC.
Ngoài ra, cuộc họp sẽ tổng kết kết quả hoạt động và bài học kinh nghiệm của EGILAT giai đoạn 2013-2017 và thảo luận về những ưu tiên và hoạt động của EGILAT giai đoạn 2018-2022. Tại cuộc họp lần này, các tổ chức quốc tế, khu vực và các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài APEC sẽ cung cấp thông tin, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm thực hiện nỗ lực quản trị rừng, chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp.
Cuộc họp lần thứ 12 của EGILAT sẽ được tổ chức vào tháng 8/2017 trong khuôn khổ của Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp của APEC (SOM 3).