ThienNhien.Net – Tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức báo động hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững. Để kiềm chế được mức độ gia tăng ô nhiễm, giải pháp ưu tiên là đẩy mạnh hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm.
Giảm ô nhiễm bằng những việc nhỏ
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường nhưng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nguồn nước vẫn ngày càng nghiêm trọng. Các trục đường lớn như Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi… luôn bị bao phủ bởi bụi bẩn từ các công trường thi công và quá trình vận chuyển đất, cát không được che đậy kỹ càng, rơi vãi ra đường. Hầu hết làng nghề hiện chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn… Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề liên tục tái diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững.
Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. Đồng thời, thành phố đã rà soát, lập danh mục các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch để di dời khỏi nội đô…
Đặc biệt, Hà Nội đã đầu tư và vận hành các trạm quan trắc, công bố các chỉ số chất lượng không khí lên Cổng thông tin điện tử của thành phố; từ các chỉ số quan trắc, cơ quan môi trường sẽ đưa ra cảnh báo chất lượng không khí để người dân biết, ứng phó…
Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), để giảm thiểu ô nhiễm, ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền, cần sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, từ những việc nhỏ như phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định… đến việc không đốt rơm rạ vào ngày thu hoạch ở ngoại thành, không sử dụng than tổ ong đun nấu gây ô nhiễm không khí. Thêm vào đó, cần triệt để xử lý các hành vi làm mất vệ sinh chung, chủ đầu tư công trình xây dựng không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, cơ sở xả thải không đúng quy định… theo quy định mới ban hành.
Điều tra để kiểm soát nguồn thải
Sau hơn 20 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường, vẫn còn khoảng 25% trong tổng số 283 khu công nghiệp, 95% trong tổng số gần 900 cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, mà còn cản trở sự phát triển của chính các cơ sở sản xuất này.
Thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được đặt ra. Mục tiêu đến năm 2020 phải kiềm chế được mức độ gia tăng ô nhiễm và đến 2030 phải ngăn chặn, đẩy lùi được xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên – môi trường. Ưu tiên trong bảo vệ môi trường hiện nay là đẩy mạnh hơn nữa phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đang tổng điều tra các nguồn thải trên toàn quốc, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn, ngăn ngừa xảy ra các sự cố môi trường. Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, đánh giá để hạn chế phát triển các loại hình sản xuất, công nghệ gây ô nhiễm lớn, tiêu tốn tài nguyên…