ThienNhien.Net – Công trình thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm nên những mùa vụ bội thu. Tuy nhiên, do công tác quản lý, khai thác còn bất cập, nhiều công trình đã bị xuống cấp. Thực tế này đang đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan…
Hiện nay, hệ thống thủy lợi của Hà Nội có 2.033 trạm bơm điện với 4.597 máy bơm các loại; 11.412 tuyến kênh mương tưới tiêu với tổng chiều dài 12.444km; 95 hồ chứa thủy lợi và 85 bai, đập dâng… Theo thiết kế, tổng năng lực của các công trình thủy lợi Hà Nội có khả năng dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống úng, hạn cho 318.033ha đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết các sông nội đồng hiện nay xảy ra tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, dẫn đến thu hẹp dòng chảy, giảm năng lực dẫn, chứa và tiêu nước khi có lượng mưa lớn, kéo dài. Bên cạnh đó, phần lớn công trình thủy lợi của Hà Nội được xây dựng từ những năm 60-70 thế kỷ trước nên quy mô và máy móc, thiết bị lạc hậu so với quy hoạch mới và cơ cấu cây trồng; lòng kênh bị bồi lắng, nhiều mặt cắt kênh không bảo đảm so với thiết kế ban đầu. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đổ rác, phế thải, vật liệu rắn vào công trình thủy lợi ảnh hưởng đến công tác tưới, tiêu ngày càng tăng…
Đáng lưu ý, toàn bộ 95 hồ chứa trên địa bàn đều có đập là đập đất. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều hồ đã xuống cấp, nhiều hồ nhỏ chưa được xây dựng quy trình vận hành; các hư hỏng chủ yếu như: Lòng hồ bồi lắng làm giảm dung tích chứa; thân đập bị thấm, xuất hiện các tổ mối, tràn xả lũ xói mòn, cống lấy nước hư hỏng… Đây chính là những nguy cơ hiển hiện mỗi khi mùa bão, lũ về.
Mặc dù tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi mấy năm gần đây đã giảm hơn trước nhưng tình trạng nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng xả vào hệ thống công trình thủy lợi vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thống kê của Sở NN&PTNT cho biết, hiện toàn thành phố có 1.423 điểm xả thải vào công trình thủy lợi, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa kiệt, làm giảm tuổi thọ công trình thủy lợi, năng suất cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân…
Để phục vụ chống hạn vụ xuân và đối phó với mùa mưa bão năm 2017, Sở NN&PTNT Hà Nội đang đề nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nạo vét sông Đáy, nâng cấp hệ thống sông Nhuệ… Các sở chuyên ngành, thanh tra, cảnh sát môi trường và các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nói chung, hoạt động xả thải nói riêng. Các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi và kiên quyết trong việc giải tỏa vi phạm, chướng ngại vật của dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn không để xảy ra vi phạm mới và tái vi phạm, tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh, mương chính, đặc biệt là trục chính sông Nhuệ…
Cùng với đó, UBND thành phố đang có những động thái tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích; dự án trạm bơm tiêu Đông Mỹ, Yên Thái… Các doanh nghiệp thủy lợi cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm công trình thủy lợi ngay từ khi mới nảy sinh, không để vi phạm phát triển tới mức khó xử lý; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra phát hiện và xử lý hành vi vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi…