ThienNhien.Net – Hà Nội cần thận trọng và tuân thủ các quy định khi cải tạo cửa khẩu An Dương trên đê hữu sông Hồng.
Mới đây UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Theo phương án mà UBND TP Hà Nội đưa ra là hạ thấp cốt đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cốt dương 12,4 mét. Thay thế đê đất bằng tường bê tông cốt thép và xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương với đường Thanh Niên…
Trước thông tin trên, một số người dân trong vùng quy hoạch đã nên tiếng ủng hộ đề xuất của thành phố. “Hạ thấp đê, mở rộng đường, giảm ùn tắc, mở rộng môi trường giao thông thuận tiện kích thích phát triển kinh tế là tốt quá, đê đất bây giờ thay thế bằng đê bê tông cốt thép hiện đại là phương án các nước tiên tiến trên thế giới người ta đều làm rồi vì vậy tôi ủng hộ việc hạ thấp đỉnh đê thay thế bằng tường bê tông”, anh Huy đang sống tại Nghi Tàm cho biết.
Trong khi cũng có người còn có ý kiến e ngại và cho rằng cần phải tính toán kỹ các phương án để đảm bảo an toàn cho Hà Nội khi có mưa bão. Ông Thuận, người dân khu An Dương cho rằng “lũ ngày xưa lên cao lắm, năm 1971 Hà Nội còn vỡ đê nhưng lâu rồi không có lũ, có các đập thủy điện rồi chắc không sao đâu, mà xây tường bê tông thay thế đi lại thuận tiên hơn”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia thủy lợi và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần phải xem xét thận trọng.
GS.TS Nguyễn Chiến – chuyên gia đầu ngành về công trình thủy cho rằng: Theo luật đê điều có thể cải tạo để phát triển nhưng phải tuân thủ nghiêm túc Luật Đê điều và không được vi phạm hành lang thoát lũ.
Nếu muốn hạ đê, Hà Nội phải trả lời rõ các vấn đề về việc nếu hạ đê xuống mức đó thì sẽ có ảnh hưởng như thế nào? Tường xây liệu có ổn không? Việc thay thế một đê đất rất to kiên cố tồn tại hàng nghìn năm nay bằng kết cấu khác thì cần có sự tính toán rất kỹ lưỡng chứ không thể nói thay là thay.
Trong kỹ thuật đê điều có hai mức làm tường trên đê, thứ nhất là tường chắn sóng (vẫn cao hơn mực nước lũ thiết kế), thứ hai là tường chắn lũ. Nếu hạ 2,5m thì đê hạ xuống dưới mực nước lũ thiết kế của sông Hồng, vì vậy nếu xây dựng tường bê tông, bức tường này phải gánh trên mình hai nhiệm vụ vừa chắn lũ và vừa chắn sóng. Vì vậy, tường bê tông đó có vai trò rất quan trọng và phải cẩn trọng trong thiết kế và xây dựng.
Xây tường bê tông trên nền đất phải tuân thủ ngặt nghèo các thông số kỹ thuật như chống thấm (cả tường và chân tường), độ bền, tính ổn định và sẽ rất tốn kém vì vậy cần phải tính toán kỹ lưỡng và so sánh nhiều phương án khác nhau đặc biệt là phải tuân thủ kỹ thuật và chi phí kinh tế để chọn phương án cho hợp lý.
“Không phải chỉ mực nước cao đê mới nguy hiểm mà ngay cả mực nước thấp đê vẫn gây nguy hiểm. Vì thực tế đê hiện tại chúng ta từ xa xưa đã xây dựng nền không được xử lý tốt qua thời gian cũng đã bị đùn, sủi, thấm,… các cơ quan quản lý đê vẫn phải làm thường xuyên để khắc phục tình trạng đó”, GS.TS Nguyễn Chiến phân tích.
Theo GS.TS Nguyễn Chiến, không thể nói thượng nguồn chúng ta đang điều tiết được mà chúng ta quản lý nới lỏng mà khi cân nhắc xây dựng đê bê tông mới thì cần thay đổi, thiết kế, gia cố như thế nào cho hợp lý tránh việc thiết kế và xây dựng lôm côm, tham rẻ hay vì thế này thế kia mà sử dụng các loại vật liệu kém gây mối nguy hại trong tương lai.
“Thiết kế cần tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc gia về công trình thủy lợi, xây dựng tường bê tông trên nền đất cần nghiên cứu và thi công xây dựng bằng vật liệu gì để đảm bảo đúng kỹ thuật, chất lượng mà vừa đỡ tốn chi phí kinh tế. Hạ đê đất và xây tường bê tông quan trọng là có tuân thủ các điều kiện về kỹ thuật mà không vi phạm hành lang thoát lũ hay không? Nếu được thì tôi nghĩ cũng có tính khả thi về dự án này”, GS.TS Nguyễn Chiến phân tích thêm.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Chiến, “Hạ đê đất, xây tường bê tông thay thế thì tuyệt đối không được thay đổi hiện trạng, có nghĩa là không được lấn, xê dịch ra hướng bờ sông hoặc làm cong hay biến dạng đi cấu trúc nền đê cũ. Chỉ có thể xây dựng tường bê tông thu hẹp theo hướng vào trong đê hiện tại chứ không thể lấn ra ngoài, tất nhiên nếu lấn vào trong cần có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng”.
Thực tế đã chứng minh chúng ta thiết kế rất hợp lý theo đúng kỹ thuật nhưng khi thực hiện lại có những sai lệch như việc vi phạm hành lang thoát lũ rồi vi phạm luật đê điều rất nhiều.
“Cần tuân kỷ luật thép nếu tiến hành hạ đê, cải tạo lại hệ thống giao thông có liên quan chứ không thể để tình trạng quản lý lỏng lẻo. Hà Nội đã từng có những điểm lồi lõm không thẳng như thiết kế về hành lang thoát lũ ở một số đoạn đê rồi, vì vậy không thể duyệt và thông qua rồi lại quản lý lỏng lẻo việc thực hiện”, GS.TS Nguyễn Chiến nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lũ trong khu vực trung tâm Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo thực hiện phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất (đỉnh đê hiện là dương 15,6 mét) sau khi hạ không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình, tức là dương 13,5 mét.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án hộ đê, quản lý vận hành đảm bảo an toàn khi có lũ, đặc biệt là trường hợp tường chắn, cửa khẩu bị sự cố. Hà Nội cần tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của Hội Thủy lợi Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi. |