ThienNhien.Net – Mùa khô hạn năm 2017 đã bắt đầu, lượng nước ngọt trên các kênh, rạch sụt giảm nhanh chóng, xâm nhập mặn đang xảy ra ở nhiều nơi. Vì vậy, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đang tất bật đắp đập ngăn sông chống mặn, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhất là đối với các địa phương ven biển.
Tỉnh Kiên Giang có hơn 200km bờ biển, không chỉ khu vực sản xuất mà nhiều khu vực trung tâm như TP Rạch Giá, huyện Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh… chỉ cách biển vài km, rất dễ bị mặn bủa vây.
Liên tiếp 2 năm (2015 – 2016), hàng trăm ngàn hộ dân của tỉnh này đã phải trải qua những ngày thiếu nước ngọt trầm trọng, do nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt tại TP Rạch Giá bị nhiễm mặn, kéo dài cả 1 tháng. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, với vài chục ngàn ha lúa bị chết khô, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm 2017, UBND tỉnh đã có chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, giải pháp ngăn sông bằng đập tạm để chống mặn xâm nhập, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được xem là tối ưu, được triển khai từ rất sớm.
Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, ngay từ giữa tháng 1, ngành đã cho triển khai đắp đập bằng cừ Larsen trên kênh nhánh (tại TP Rạch Giá) và kênh Rạch Giá – Hà Tiên (tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương) để ngăn không cho nước mặn từ cửa biển lấn sâu vào nội đồng.
Đây là giải pháp quan trọng không chỉ bảo vệ sản xuất, mà còn ngăn không cho nước mặn xâm nhập lên khu vực lấy nước mặt vào hồ chứa của nhà máy nước Rạch Giá.
Còn đối với vùng ven biển An Biên, An Minh, một số khu vực cục bộ ở TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, do hệ thống cống ngăn mặn chưa được đầu tư đồng bộ, giao cho các địa phương triển khai đắp đập tạm bằng đất, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả.
Song song với việc đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt, ngành nông nghiệp còn phối hợp với các địa phương tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất bị ảnh hưởng hạn, mặn. Tổ chức hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, phòng trừ dịch hại và các kỹ thuật canh tác trong điều kiện nguồn nước tưới hạn chế.
Khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới. Tăng cường công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
Còn tại Đồng Tháp, để đảm bảo và chủ động đủ nước tưới cho 232.164 ha diện tích gieo trồng ở vụ hè thu năm 2017 (gồm lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày).
UBND tỉnh này vừa ban hành kế hoạch phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2017 như thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn do tỉnh quản lý. Chủ động xuống giống vụ hè thu, thu đông năm 2017 theo lịch khuyến cáo của ngành, bố trí lịch bơm tưới hợp lý, tưới tiết kiệm nước trong điều kiện nguồn điện phục vụ mùa khô có khả năng thiếu hụt.
Để đảm bảo tốt phòng chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL đã đẩy mạnh khâu tuyên truyền người dân áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật bằng biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi (cống, đê, đập, trạm bơm, hồ chứa…), xác định các công trình bức xúc, tham mưu lãnh đạo có hướng chỉ đạo kịp thời. Tại Cà Mau, hiện tại độ mặn tại các vùng ven biển đã bắt đầu tăng cao.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh này, vùng ven biển Đông và Tây với chiều dài đường bờ biển 250 km, độ mặn cao nhất đã lên trên 25 phần ngàn. Đối với con tôm, mức độ mặn này chưa gây nhiều ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với vùng canh tác lúa giáp biển thuộc huyện Trần Văn Thời, U Minh, độ mặn lấn sâu vào nội đồng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất thời gian tới. Trước tình hình trên, cơ quan chức năng Cà Mau đã thực hiện các biện pháp ứng phó.
Mùa khô ngoài việc ngăn mặn, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho nông nghiệp, bên cạnh đó cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy, lên phương án phòng, chống cháy rừng cụ thể cho từng địa bàn.
Kiểm tra các trang thiết bị phòng, chữa cháy rừng, củng cố lực lượng, thường xuyên theo dõi dự báo cháy rừng và đảm bảo sẵn sàng thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống cháy rừng.
Đặc biệt, diện tích rừng U Minh hạ – Cà Mau mực nước đã bắt đầu rút. Nước dưới chân rừng tràm hiện đã giảm 15-20cm so với cuối năm 2016. Tuy nguy cơ cháy rừng tràm chưa thể xảy ra nhưng cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tích cực tuyên truyền để các đơn vị, các chủ rừng có sự chuẩn bị chu đáo.
Để bảo đảm tốt công tác phòng chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn – Công an tỉnh Cà Mau tổ chức xét duyệt 6 phương án phòng cháy chữa cháy rừng cho các chủ rừng có diện tích lớn.
Bên cạnh đó, dựa vào địa hình và thời tiết thực tế, đơn vị cũng đã xác lập phân vùng trọng điểm chính dễ cháy trên 22 tiểu khu, thuộc 5 liên tiểu khu với tổng diện tích hơn 2.800 ha. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác lửa rừng để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị PCCCR phù hợp. Tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ, ngoài việc khép kín các cống, đập giữ nước, đơn vị còn thành lập được 20 tổ máy bơm với nhiều phương tiện phục vụ cho công tác PCCCR.