ThienNhien.Net – Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có danh mục hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật dài và phức tạp hàng đầu thế giới. Có những hoạt chất cực độc thế giới đã cấm nhưng Việt Nam vẫn đang lưu hành.
Phát biểu tại một cuộc họp về an toàn thực phẩm mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Công cho biết, Việt Nam hiện cho phép sử dụng quá nhiều hoạt chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp. Với danh sách ấy, ngay cả người trong ngành cũng còn lúng túng chứ chưa nói đến người sử dụng.
Hơn 4.000 loại thuốc trừ sâu, bệnh
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) thông tin, hiện có hơn 4.000 loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam, trong đó phần lớn là thuốc trừ cỏ, còn lại là thuốc trừ sâu và trừ bệnh. Đáng nói, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó có những loại thuốc cực độc, thế giới đã cấm sử dụng nhưng Việt Nam vẫn nhập và cho phép sử dụng như 2,4D (thuốc trừ cỏ), Paraquat (thuốc trừ cỏ), Carbendazim (thuốc trừ nấm)… Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã quyết định loại bỏ 2 hoạt chất 2,4D và Paraquat khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, tuy nhiên lộ trình cấm hoàn toàn là 2 năm (từ sau tháng 2-2019).
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Việt Nam nên loại bớt những hoạt chất thuốc BVTV có độ độc quá cao và khi đã cấm thì nên cấm luôn, đặt lộ trình 2 năm là quá dài. Điển hình, năm 2016, nhiều lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do bị các nước phát hiện có hoạt chất Isoprothiolane vượt ngưỡng cho phép. Hoạt chất này hiện đang có trong hơn 60 loại thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam thì nhiều nước như Mỹ, EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp.
Theo Cục BVTV, các hoạt chất 2,4D và Paraquat có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái môi trường sẽ không được đăng ký vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Hiện tại, trên thị trường, hoạt chất 2,4 D có trong 36 sản phẩm thương mại và hoạt chất Paraquat đang có trong 46 sản phẩm thương mại. Các hoạt chất này được Việt Nam nhập khẩu 100%.
Bị sử dụng sai mục đích
Dù đã có quy định và hướng dẫn sử dụng nhưng tình trạng sử dụng thuốc BVTV sai mục đích đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Nguyên Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng thông tin, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu trái cây có tồn dư 2,4D. Đây là hoạt chất có tác dụng trừ cỏ, không phải chất phun cho cây nên việc phát hiện chất này trên trái cây chứng tỏ nông dân đã sử dụng sai mục đích. “Ở liều lượng thấp thì 2,4D có tác dụng kích thích sinh trưởng. Chúng cũng có tác dụng giúp bảo quản và làm một số loại trái cây cứng, chín đều nên nông dân đã sử dụng cho mục đích này”, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết.
Còn đối với Paraquat, nguyên Cục trưởng Cục BVTV thông tin, đây là chất rất độc hại và không có thuốc giải nên ở nhiều nước (trong đó có Việt Nam) có tình trạng mua Paraquat để… tự tử. Đây cũng là chất có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, theo Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT, trong trường hợp hoạt chất bị loại khỏi danh mục thì cần có lộ trình để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sản phẩm. Lộ trình này là cho phép sản xuất, nhập khẩu 50 chế phẩm chứa 2 hoạt chất đáng sợ nói trên thêm 1 năm, sử dụng thêm 2 năm tính từ 8-2-2017.
Năm 2016, Việt Nam đã loại khỏi danh mục 386 tên thuốc thương phẩm, dự kiến năm 2017 sẽ loại thêm 256 tên thuốc thương phẩm khác. Trả lời câu hỏi về việc, tại sao Việt Nam không loại thêm những hoạt chất BVTV độc hại khác và không cấm luôn mà thường cho phép thời hạn tới khi cấm hẳn dài tới 2 năm, ông Hoàng Trung cho biết, ngành nông nghiệp không tùy tiện đưa ra mức thời hạn trong quyết định loại bỏ hoạt chất 2,4D và Paraquat do phải tuân thủ đúng với các quy định pháp luật và đảm bảo lộ trình, thời gian cho các doanh nghiệp thích nghi, từng bước loại bỏ các sản phẩm có các hoạt chất này.
Cũng theo ông Hoàng Trung, dù đã được cảnh báo về ảnh hưởng của hoạt chất 2,4D và Paraquat trong vài năm trở lại đây nhưng phải đến ngày 1-1-2015 khi Luật Kiểm dịch thực vật chính thức có hiệu lực thì Cục BVTV mới có đủ cơ sở pháp lý để thu thập các dữ liệu khoa học, tham khảo từ các tổ chức quốc tế để chính thức quyết định loại bỏ các hoạt chất này.