ThienNhien.Net – Khe nứt sâu 10 km dưới mực nước biển từng được cho là “bất khả xâm phạm” trước tác động của con người.
Các nhà khoa học đã tìm thấy một lượng chất thải nhiều “đáng kinh ngạc” ở địa điểm xa xôi và khó tiếp cận nhất thế giới: khe nứt Mariana ở Thái Bình Dương. Khe nứt này nằm sâu 10km dưới mực nước biển và ẩn chứa rất nhiều bí ẩn với nhân loại.
Một loài giáp xác sống trong khu vực khe nứt Mariana đã bị tàu ngầm robot bắt được. Khi kiểm tra loài giáp xác này, nhà nghiên cứu tìm thấy nồng độ chất độc trong cơ thể chúng cao gấp 50 lần loài cua ở vùng sông ô nhiễm tại Trung Quốc.
“Chúng ta luôn nghĩ rằng khe nứt Mariana quá xa xôi nên an toàn trước các tác động của con người. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất khẳng định điều ngược lại”, tiến sĩ Alan Jamieson từ đại học Newscastle, Anh, chủ nhiệm đề tài cho hay. Tiến sĩ Alan khẳng định kết quả nghiên cứu cho thấy tác động của con người lên hành tinh đã vượt quá tưởng tượng ban đầu.
Alan cho biết có rất nhiều chất độc hóa học bị cấm từ thập niên 1970 tuy nhiên không bị phân hủy trong môi trường. Đáng kể nhất là chất độc hữu cơ POP. Nồng độ chất độc này từng được tìm thấy trong máu của người Inuit và những người Canada cư trú tại vùng cực. Cá heo hay cá voi sát thủ tại châu Âu cũng có nồng độ POP cao hơn bình thường.
Alan cho rằng các chất độc như POP đã thẩm thấu tới khe nứt sâu nhất thế giới khi các loài động vật chứa chất độc này bị chết và chìm xuống đáy. Một giả thuyết khác là các túi nilon chứa chất thải lắng xuống khe nứt Mariana. Chất độc POP không bị tan trong nước và bám rất chặt vào các túi nilon.
“Khe nứt Mariana là nơi cư trú của các loài giáp xác, điển hình như mẫu vật dài 2cm mà chúng tôi bắt được. Điều này cho thấy một lượng lớn chất độc đã chìm xuống đáy”, Alan nói. Tiến sĩ cho biết việc chất độc lắng xuống không có gì là lạ. Điểm khiến ông ngạc nhiên là nồng độ quá lớn của chất độc.
Chất độc POP gây hại cho các sinh vật sống, đặc biệt là quá trình sinh sản và gây biến dị các thế hệ sau.