ThienNhien.Net – Nhu cầu về cấp, thoát nước ngày càng tăng, trong khi đó tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng trên cống thoát nước, lấn chiếm và đổ rác bừa bãi lấp hồ, sông, kênh… vẫn tiếp diễn.
Tính đến cuối năm 2016 cả nước có 802 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt với tỷ lệ đô thị hóa trung bình đạt 36,6%. Theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, dân số đô thị năm 2020 khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước, năm 2025 tăng lên 52 triệu người, chiếm 50%.
Nước thải hầu hết chưa được xử lý
Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất xử lý nước thải đạt 890.000m3/ngày đêm. Tỷ lệ xử lý đạt khoảng 12-13%. Hệ thống thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa.
Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Nhiều đô thị đang xây dựng hoặc chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp.
Nhiều tuyến cống không đủ tiết diện thoát nước, việc bê tông hóa kênh, mương góp phần không nhỏ vào việc hạn chế thoát nước. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và mỗi khi mưa lớn tại Hà Nội. Nhiều đô thị trước đây không bị ngập như Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang… nay cũng đối mặt với ngập lụt.
Phát triển các khu công nghiệp kéo theo sự gia tăng nước thải rất lớn. Ô nhiễm nước mặt do nước thải của các khu công nghiệp hoặc từ các làng nghề tại các sông, hồ, kênh rạch trở nên trầm trọng hơn. Điển hình có thể thấy ở các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và sông Đồng Nai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cấp nước cho nhiều đô thị.
Theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất lượng nước của sông Nhuệ, sông Đáy trong nhiều năm (từ 2010-2015) hầu hết chỉ đạt mức trung bình và kém. Trong đó, sông Nhuệ có chất lượng nước ở mức kém và rất kém trong năm 2012, 2015, chỉ đảm bảo cho các mục đích giao thông thủy và mục đích tương đương. Chất lượng nước sông Đáy tốt hơn sông Nhuệ nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình, phục vụ cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương.
Hướng tới cải thiện môi trường nước đô thị
Nghị định 80/2014 về thoát nước và xử lý nước thải khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa phục vụ các nhu cầu, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt. Các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý và tái sử dụng nước mưa được hỗ trợ vay vốn ưu đãi.
Trên sông Nhuệ và sông Đáy, nước trên các đoạn sông đang cung cấp cho các nhà máy nước sạch đều không có chất lượng phù hợp, do đó Trung tâm Quan trắc môi trường khuyến cáo cần có các biện pháp xử lý chất lượng nước tốt hơn nữa để phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt. Ở lưu vực sông Nhuệ-Đáy, nguồn nước ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt. Đây cũng là thói quen không tốt vì người dân nghiễm nhiên cho rằng đây là khu vực tiếp nhận nước thải, vì vậy cần tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước của người dân.
Về công nghệ, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản đã ký kết hợp tác kỹ thuật nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hệ thống nước thải. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đang thực hiện nhiều dự án cải thiện môi trường nước cho các đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Huế…
Một kỹ thuật xử lý nước thải mới hướng đến Việt Nam là khôi phục đường ống không cần đào, góp phần tiết kiệm năng lượng, chi phí và có thể sử dụng trong tình huống khẩn cấp trong việc hoàn thiện hệ thống nước thải. Kỹ thuật này đã được kiểm chứng về kinh tế, kỹ thuật trên quy mô nhỏ tại Trạm xử lý Kim Liên (Hà Nội), Trạm xử lý Hà Khánh (Quảng Ninh), Trạm xử lý Quy Lưu (Hà Nam). Các kiểm chứng chôn lấp ống cũng được thực thí nghiệm ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Hà Nam. Khác với xử lý nước thải theo phương thức truyền thống, kỹ thuật xử lý mới này không cần nhân lực có chuyên môn, có thể ứng dụng nhanh chóng, phát huy hiệu quả tức thời.
Giám đốc Công ty Sekisui Việt Nam Kobayashi Noboru cho biết, có thể ứng dụng kỹ thuật làm sạch trong đường ống nước tại Việt Nam song song với hệ thống xử lý nước thải truyền thống nhằm góp phần cải thiện chất lượng hệ thống thoát nước. Những khu đô thị mới có những đặc điểm như khu dân cư dưới 6.000 người, cách xa khu trung tâm hoặc khu vực hải đảo cần khẩn trương xây dựng hệ thống thoát nước, có thể xem xét tính khả thi trong việc ứng dụng hệ thống làm sạch trong đường ống. Kỹ thuật làm sạch trong đường ống khác với những kỹ thuật khác của Nhật Bản và hướng tới việc chọn Việt Nam là nơi ứng dụng kỹ thuật này đầu tiên trên thế giới.