ThienNhien.Net – Hiện nay, cùng với hoạt động xây dựng ngày càng nhiều là tình trạng ô nhiễm môi trường khi chủ đầu tư, đơn vị thi công không tuân thủ triệt để các quy định về che chắn công trường, phương tiện thi công ra vào… Trên thực tế, vấn đề ô nhiễm có thể kiểm soát được nếu các chủ thể tham gia có ý thức thực hiện.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố luôn có hơn 1.000 công trường xây dựng lớn nhỏ thi công, ngoài ra mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật. Với lượng lớn các công trình thi công nhưng công tác vệ sinh, môi trường lại không được quan tâm đúng mức.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, đang triển khai phần đi trên cao dài 8,5km. Mặc dù chủ đầu tư rào kín công trường nhưng nhiều người qua đây đều cảm thấy ái ngại bởi bụi bẩn. Ông Trần Ngọc Lâm (48 tuổi, quê Hải Dương), làm nghề xe ôm trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) nói: “Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán còn đỡ chút, nhưng những ngày hè oi nóng thì không chịu nổi vì khói bụi theo xe máy, ô tô chạy qua cuốn lên mù mịt. Còn chị Ngô Thu Trang, chủ cửa hàng bán xe đạp điện trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) ngao ngán: “Bụi và tắc đường là tình cảnh thường thấy khi tuyến đường sắt trên cao thi công”. Nhìn rộng hơn trên địa bàn thành phố, tình cảnh này cũng diễn ra đối với người dân trên các tuyến đường có nhiều công trình thi công.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), chất lượng môi trường nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang giảm sút nghiêm trọng trong những năm gần đây, trong đó có nguyên nhân từ hoạt động xây dựng. Mỗi năm môi trường không khí thành phố phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng sống quanh khu vực thi công.
Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền, trong đó mức tối đa với cá nhân là 1 tỷ đồng; với tổ chức là 2 tỷ đồng; vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng… Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động xây dựng phải dựa trên một loạt các giải pháp đồng bộ. Từ việc phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện di chuyển nhiều vào khu vực xây dựng đến việc công trường phải áp dụng việc phun, rửa phương tiện ra vào…
Đã đến lúc, cùng với việc giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của người dân.