ThienNhien.Net – Thời tiết diễn biến thất thường ở Thừa Thiên – Huế đang tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật, nhất là ốc bươu vàng phát triển mạnh, gây hại cho hàng nghìn ha lúa Đông Xuân 2016 – 2017 và cây trồng khác.
Hiện nay, ốc bươu vàng đang gây hại trên 783 ha lúa Đông Xuân 2016 – 2017, tăng hơn 153 ha so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có diện tích lúa bị ốc bươu gây hại nhiều là thị xã Hương Trà 300 ha cùng các huyện như Phú Lộc 285 ha, Phú Vang 60 ha…
Theo ông Nguyễn Văn May, người có 5 sào lúa ở xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, từ đầu năm 2017 đến nay, ốc bươu gây hại nặng do thời tiết thuận lợi, khi trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, chân ruộng ngập khá sâu nên loại sinh vật này phát triển mạnh, lây lan rất nhanh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên – Huế cũng đã khuyến cáo, từ ngày 10/2 đến 14/2, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nên trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, lượng mưa trung bình từ 30mm đến 50mm, nhiệt độ trung bình từ 17 độ đến 21 độ C, là điều kiện thuận lợi để ốc bươu vàng tiếp tục phát triển và gây hại các chân ruộng thấp trũng, đặc biệt ở trên 1.560 ha lúa mới phải gieo sạ lại, vì bị thiệt hại do ngập úng thời gian qua.
Ngoài ra, hàng trăm ha cây trồng khác cũng đang bị các đối tượng sinh vật gây hại. Cụ thể, cây bưởi Thanh Trà bị nhiễm các bệnh như chảy gôm khoảng 235 ha, tập trung chủ yếu ở thị xã Hương Trà 150 ha và huyện Phong Điền 50 ha; bệnh muội đen 250 ha, ở thành phố Huế 50 ha và thị xã Hương Trà 200 ha. Cây cao su bị các bệnh gây hại như: xì mủ, phấn trắng, loét sọc miệng cao, đốm lá…
Ngành nông nghiệp Thừa Thiên – Huế đang tăng cường hướng dẫn nông dân tiêu nước đối với diện tích đang còn ngập, để gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ; áp dụng các giải pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn lúa từ 0 ngày đến 40 ngày sau sạ, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chi phí; chú trọng biện pháp diệt ốc bươu vàng nơi có mật độ cao để hạn chế thiệt hại.
Đối với cây trồng khác, người dân cần vệ sinh vườn, chăm sóc, bón phân để cây trồng sinh trưởng phát triển, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.