ThienNhien.Net – Hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang dây dưa thuế phí, có doanh nghiệp gây ô nhiễm phải tạm dừng hoạt động vẫn ngang nhiên nhả khói. Thậm chí, có doanh nghiệp đóng cửa mỏ nửa năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn không hề hay biết…
Đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về việc cấp phép khai thác mỏ, cũng như lỗ hổng trong quản lý và nhập nhèm về nguồn thu đã dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế phí nghiêm trọng tại tỉnh Cao Bằng trong nhiều năm nay.
Bài 1: “Bom đá” treo trên nhà, người dân Tân Giang sống trong sợ hãi
Bầu trời mỗi lúc mịt mù hơn. Con đường độc đạo chạy vào bãi đổ thải của “đại công trường” mỏ sắt Nà Rụa (phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng) chốc chốc lại hõm xuống thành những vũng, hố sâu do ngày thường bị hàng chục chiếc xe trọng tải lớn cày ải.
Phía trước mặt, từng đoàn xe tải oằn mình chở quặng tiến vào bãi luyện gang thép nằm ngay sát khu dân cư. Hai bên đường, những căn nhà nứt toác tường tựa lưng vào bãi đá thải “khổng lồ,” có những căn nhà nằm cheo leo trên đỉnh núi đang chờ đổ sập.
“Bom đá” vây nhà dân
Sau cuộc trò chuyện với ông Vương Thanh Giang, Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng về dàn công nghệ khai thác được giới thiệu là hiện đại, chúng tôi quyết tâm mục sở thị “đại công trường” mỏ sắt Nà Rụa để ghi nhận hoạt động của doanh nghiệp này.
Chúng tôi tiếp cận mỏ sắt vào những ngày mưa nên con đường nhão nhoét bùn đất. Hai bên, những bãi đá thải khổng lồ vây quanh các căn nhà lụp xụp, nứt toác tường. Những ngôi nhà này có thể bị nhấn chìm, đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng người dân vẫn an phận ở lại.
Hàng ngày, những đoàn xe tải trọng nối đuôi nhau chở đất đá từ mỏ sắt Nà Rụa ra bãi thải (nằm trên phần đất của người dân từng canh tác hoa màu, trồng rừng) gây tiếng ồn và bụi bay mù mịt. Những lúc mưa xuống, con đường lại nhão nhoét bùn.
Bà Lâm Thị Vẫy, một người dân ở tổ 14, phường Tân Giang, chia sẻ: “Đất nhà mình cho doanh nghiệp mượn làm bãi đổ thải hết rồi, sau này họ khai thác mỏ xong mới trả lại đất nên giờ bà con không có việc làm, chỉ biết vào rừng lấy củi bán kiếm cơm thôi.”
Theo lời người phụ nữ 60 tuổi này thì vài năm trước, gia đình bà đã chấp thuận cho Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng mượn đất. Doanh nghiệp này sau đó đã đền bù tài sản trên đất và đồng ý để người dân “tái định cư tại chỗ” ngay sát bãi thải đất đá cao chọc trời.
“Mình ở đây nguy hiểm lắm chứ. Nắng thì bụi, mưa thì lo đất sạt xuống đè mất nhà. Mới năm vừa rồi đó, nhà ông Xầm Văn Phấn, nhà bà Hoàng Thị Thều đã bị đổ sập rồi. Thấy vậy, lo và muốn đi lắm, nhưng đi thì phải có đất và chuyển được nhà chứ” bà Vẫy rầu rĩ nói.
Đối diện nhà bà Vẫy, căn nhà nhỏ nằm cheo leo trên đỉnh núi của anh Trương Văn Côn cũng đang đứng trước nguy cơ đổ sập. Xung quanh, có ít nhất hai ngôi nhà khác đã bị đổ, nền nhà bị sụt lún mất một nửa, phần còn lại được san phẳng làm lối đi cho người già, trẻ nhỏ.
Sau tiếng thở dài chua chát, anh Côn kể: “Trước đây, khi giải phóng mặt bằng, phía doanh nghiệp có đền bù tài sản trên đất, và hứa sẽ hỗ trợ tiền để dân tự tìm chỗ tái định cư. Thế nhưng, đến nay họ vẫn chưa hỗ trợ, nên nhiều hộ gia đình như nhà mình vẫn phải bám trụ ở đây thôi.”
“Vẫn biết cả dãy nhà ở trên quả đồi này trước sau gì cũng đổ, nhưng vẫn phải ở thôi, chứ không có đất, không chuyển được nhà thì biết đi đâu?,” anh Côn buồn rầu.
Nỗi lo… sập nhà
Vẫn chưa hết nỗi lo, anh Côn cho biết: “Hiện tại, ở tổ 14, phường Nà Rụa có gần 20 hộ dân sinh sống quanh bãi đổ đá thải của Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng. Phần lớn, các căn nhà ở đây đều đang bị nứt toác tường, nguy cơ đổ sập rất cao.”
“Như nhà mình, tường nhà đã bị nứt, có nơi rộng tới gang tay rồi. Nhà lại có con nhỏ nữa, lo lắm!,” anh nói.
Tần ngần nhìn căn nhà đối diện vừa bị đổ sập, người đàn ông 34 tuổi này bảo nguyên nhân dẫn tới việc sập nhà, sụt lún đất ở đây là do Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng “xẻ núi” làm đường cho xe tải chở quặng từ mỏ Nà Rụa vào bãi luyện và đổ đất đá thải, nên khi mưa xuống nền đất bị yếu đã khiến đất sụt lún, nhà đổ sập.
Theo lời anh Côn: “Tình trạng sạt lở đất, sập nhà tại khu vực tổ 14, ngay sát khu vực bãi đổ thải của Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng được người dân phản ánh xảy ra liên tiếp trong suốt vài năm qua, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được quan tâm, xử lý.”
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus trước khi mục sở thị “đại công trường” mỏ sắt Nà Rụa, ông Thái Hồng Thịnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng “tự hào” giới thiệu: “Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng hoạt động rất tốt, cũng như tuân thủ các quy định về thuế phí, môi trường.”
Để có thêm ý kiến từ phía doanh nghiệp, ngay sau khi rời khỏi đại công trường mỏ sắt Nà Rụa (nơi có nhiều hộ gia đình đang sống trong nỗi lo đá thải đè sập nhà), chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Vương Thanh Giang, Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng. Tuy nhiên, vị này từ chối trả lời.
Về phía địa phương, bà Nông Thị Minh Thiên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng khẳng định: “Việc các hộ dân đang sinh sống ở khu vực bãi đá thải mỏ sắt Nà Rụa là do việc đền bù, tái định cư chưa ổn thỏa.”
Bà Thiên cũng cho biết, nhiều năm qua bà con nhân dân sinh sống quanh mỏ sắt Nà Rụa đang phải chịu ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, nhà cửa xuống cấp, sạt lún, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi bặm. Nhiều người dân bức xúc.
“Để giải quyết việc này, phường cũng đã nhiều lần mời Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng đến dự tiếp xúc cử tri, nghe dân nói nhưng họ cũng không đến,” bà Thiên nói.
Trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi men theo con đường đất lầy lội rời “xóm tái định cư tại chỗ” trở về thành phố Cao Bằng. Thi thoảng ngoảnh lại, bà con và những đứa trẻ vẫn dõi nhìn theo. Xa xa, những căn nhà nhỏ xập xệ dần khuất sau những quả núi đá thải khổng lồ đang chờ ngày đổ sập.
Theo báo cáo từ cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng, Công ty cổ phần Gang thép được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại Mỏ sắt Nà Rụa tại thành phố Cao Bằng từ tháng 6/2011, trữ lượng khai thác hơn 9,6 triệu tấn, diện tích khai thác 93 ha, công suất 350.000 tấn/năm, thời gian khai thác 28 năm.
Vùng nguyên liệu được quy hoạch tại 7 tổ dân phố phường Tân Giang và 2 tổ dân phố của phường Hòa Chung, với tổng diện thu hồi, giải phóng mặt bằng gần 260ha. Trong đó, Đất rừng 166ha, đất nông nghiệp 65ha, đất ở 14ha và đất giao thông gần 14ha. |
Bài 2: Bị dừng hoạt động, công ty khoáng sản vẫn “thản nhiên” nhả khói