ThienNhien.Net – Không chỉ ô nhiễm ở các khu-cụm công nghiệp, tình trạng “bẩn” ở các làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Ninh cũng là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cho đến nay, khi chính quyền sở tại đang loay hoay tìm kiếm hướng giải quyết, người dân tại các làng nghề vẫn đang phải sống chung với cái vấn nạn “bẩn” vô lý đó.
Sống chung với… “bẩn”
Làng nghề Đa Hội, phường Châu Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) từng được biết đến là một trong những làng nghề sản xuất thép lớn nhất miền Bắc. Theo báo cáo của UBND phường Châu Khê, cụm công nghiệp làng nghề Châu Khê có hơn 1.700 cơ sở sản xuất, trong đó Đa Hội chiếm đến hơn 900 cơ sở đúc phôi thép, cán thép, mạ, làm đinh, đan lưới thép với sản lượng các loại sắt thép đạt gần 1.000 tấn/ngày.
Qua khảo sát, đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường Bắc Ninh, hầu hết các chỉ tiêu về oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ hay các kim loại nặng như ở làng nghề giấy Phong Khê, làng nghề sản xuất thép Đa Hội… đều vượt quá ngưỡng quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. |
Để có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, làng nghề Đa Hội đã “hút” một lượng lao động khổng lồ, từ 5.000 – 7.000 người, trong đó 50% đến từ các địa phương khác. Nhờ làm ăn thuận lợi, mức thu nhập bình quân của lao động chính thức tại làng nghề luôn đạt trên 7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất với quy mô lớn.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh không đi cùng với tính bền vững trong “nội tại” đã khiến sản xuất tại làng nghề Đa Hội rơi vào suy thoái. Hậu quả, sau hơn 10 năm phát triển, làng nghề đã dần bộc lộ những điểm yếu. Trong đó, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người dân khu vực được xem là nguyên nhân lớn triệt tiêu động lực phát triển của làng nghề truyền thống.
Tại làng Đa Hội có gần 1.000 lò đúc cán, mạ thép luôn rực lửa khiến bầu không khí nóng hầm hập. Các loại máy cán, dập, đúc, cắt thép không ngừng phát ra những thứ âm thanh hỗn độn, nhức óc đinh tai. Tại một số lò, những làn khói đen theo ống dẫn được xả ra với mùi khét lẹt hòa quyện với bụi đường, bụi than, bụi kim loại, bụi mạt sắt và mùi hóa chất lẫn mùi hôi thối của nước và rác thải… Cùng với Đa Hội, làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê (phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng rất ô nhiễm, bởi hành vi xả thải “bẩn” ra các ngả đường, kênh, mương tùy tiện, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường Bắc Ninh, mỗi ngày làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê sử dụng khoảng 40.000 tấn than củi các loại và 18.000m3 nước, thải ra môi trường 150 tấn rác thải công nghiệp (gồm các loại xỉ than, phế liệu, vẩy sắt) và trên dưới 1 tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 15.000m3 nước thải… Tất cả các chất thải này chưa qua xử lý được đổ trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất của làng nghề; đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của gần 4.000 hộ dân trong phường.
Cùng nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhiều làng nghề khác như làng nghề sản xuất, chế biến giấy ở Phong Khê; làng nghề đúc đồng, đúc nhôm ở xã Đại Bái… cũng chứa tất cả các yếu tố nguy hại như tiếng ồn, bụi bông, bụi giấy, hóa chất nhuộm, nước thải chứa javen và các chất độc hại khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Những giải pháp đi vào “ngõ cụt”
Trước mối nguy hại về ô nhiễm môi trường sống, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của Bắc Ninh đã triển khai khá nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề nấu rượu Đại Lâm, làng nghề Phong Khê, nước thải sinh hoạt thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn… nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Thế nhưng, dường như các giải pháp xử lý ô nhiễm hay chữ “bẩn” cho làng nghề đều đi vào “ngõ cụt”.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do hệ thống thoát nước và quy trình xử lý nước thải tại các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ dự án triển khai còn chậm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân còn yếu và thiếu chế tài xử phạt nên vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tùy tiện; một số mô hình sau khi đầu tư xây dựng không được vận hành hoặc vận hành không hiệu quả.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều làng nghề, mỗi làng nghề lại có một đặc thù sản xuất, tái chế và ô nhiễm khác nhau, như các chỉ số về ô nhiễm về không khí, nhiệt độ, khói bụi, và đặc biệt là nguồn nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 63 làng nghề, chỉ đứng sau Hà Nội. Trong đó, có nhiều làng nghề gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng về nhiệt độ, khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nông thôn.