ThienNhien.Net – Những rạn san hô được mệnh danh là “mái nhà biển”, là cứu cánh của môi trường sinh thái biển và là nơi quần tụ của các loài thủy sản.
Song, do nhu cầu mưu sinh, cư dân ven biển đã khai thác thủy sản mang tính tận diệt, khiến rạn san hô bị hủy hoại.
Hệ sinh thái biển bị tấn công
Tỉnh Bình Định có 134km chiều dài bờ biển, vùng biển ven bờ được bao bọc bởi những hòn đảo nhỏ cùng với hệ sinh thái là rạn san hô, thảm cỏ biển và các động vật thủy sinh đa dạng.
Nguồn lợi thủy sản ở Bình Định khá đa dạng và phong phú với trên 500 loài cá, trong đó có 38 loài cá có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ cá nổi chiếm 65% với trữ lượng khoảng 38.000 tấn, khả năng khai thác 21.000 tấn gồm cá loài cá thu, cá ngừ, cá nục ở vùng biển ven bờ. Tỷ lệ cá đáy chiếm 35% với trữ lượng khoảng 22.000 tấn, khả năng khai thác 11.000 tấn.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.339 tàu cá với tổng công suất 980.838 CV. Trong đó, tàu cá công suất dưới 90 CV khai thác ven bờ, từ vùng lộng trở vào có 4.592 chiếc, chiếm 37%; đội tàu thuyền đánh bắt thủ công, không gắn máy có hơn 1.200 chiếc. Tài nguyên biển và đa dạng sinh học ở vùng biển ven bờ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập đáng kể cho cư dân sống ven biển.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, môi trường và đa dạng sinh học trong khu vực này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản cũng dần bị mất đi do những hoạt động khai thác thủy sản mang tính tận diệt bằng chất nổ, chất độc hoặc lưới kéo.
Ngư dân khai thác vô tội vạ bằng lưới sai kích mắt lưới, khai thác các loài thủy sản đang thời kỳ mang trứng, cả các thủy sản đang thời kỳ trưởng thành. “Đáng lo ngại nhất là ghe tàu khai thác của ngư dân, tàu du lịch neo đậu làm hư hại các rạn san hô, không còn chỗ cho các loài thủy sản quần tụ, sinh sôi”, ông Phúc lo lắng.
Nỗ lực gìn giữ
Cũng theo ông Phúc, hơn 1 năm qua, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương tại Bình Định”, Sở NN-PTNT Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) hỗ trợ ngư dân và chính quyền các xã ven biển Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải thuộc TP Quy Nhơn quản lý vùng nước ven bờ dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; hướng tới bảo tồn, phát triển nguồn lợi vùng biển ven bờ, bước đầu đã cho thấy hiệu quả.
Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch – thủy sản xã Nhơn Hải, địa phương đã thành lập 1 tổ chuyên bảo vệ san hô gồm 8 người. Trong tổ này có 3 người đã lớn tuổi đảm trách nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của san hô để ngư dân chấm dứt việc khai thác; 5 thanh niên còn lại phụ trách việc lặn biển làm vệ sinh nền đáy để san hô phát triển.
Anh Sáng kể: “Bình thường mỗi tháng 2 lần chúng tôi lặn xuống đáy rạn san hô để bắt sao biển gai, đây là loài thủy sản chuyên gây hại cho san hô. Mỗi lần làm vệ sinh nền đáy rạn san hô chúng tôi phải lặn cả ngày dưới biển, nếu gặp lúc sao biển gai phát sinh nhiều quá, chúng tôi phải vận động thêm ngư dân trong xã hỗ trợ”.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải của Nhơn Hải là 7ha mặt nước, ở dưới có rạn san hô rất đẹp nằm quanh Hòn Khô lớn được bảo tồn nguyên vẹn trong những năm qua giờ đã được UBND tỉnh Bình Định giao cho doanh nghiệp Tấn Phát làm du lịch. Khu vực này đang bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng đơn vị quản lý chưa đưa ra giải pháp ngăn chặn. Không chỉ vậy, 2ha rạn san hô tại Hòn Khô nhỏ nằm sát cạnh cũng đang bị uy hiếp; đó là chưa kể đến hơn 108ha diện tích rạn san hô phân bố trong toàn vùng ven biển Bình Định cũng đang lâm tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho hay, sau khi mặt nước được giao cho doanh nghiệp Tấn Phát, rạn san hô quanh Hòn Khô lớn lập tức bị người dân tàn phá. Thậm chí tàu du lịch, tàu cá của ngư dân neo đậu khiến rạn san hô thêm hư hại. Nếu doanh nghiệp không kham được thì phải phối hợp với chính quyền địa phương để có giải pháp bảo vệ ngay, chứ không thì san hô sẽ bị tàn phá hết.
Bà Trần Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng:
“Quản lý nghề cá dựa trên hệ sinh thái không còn là câu chuyện mới, nhưng từ lý thuyết đi vào thực tiễn còn lắm gian nan, cần phải có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi, sản phẩm thủy sản đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, trong khi các thị trường tiêu thụ ở nước ngoài yêu cầu ngày càng cao về yếu tố môi trường, yếu tố xã hội của nguồn gốc sản phẩm. Mô hình quản lý nghề cá dựa trên hệ sinh thái tại Bình Định bước đầu đã cho thấy hiệu quả, kinh nghiệm rút ra ở đây có thể sẽ được đưa vào hệ thống chính sách của TƯ về quản lý ngành thủy sản”. |