ThienNhien.Net – Việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, VCCI cho biết.
Ngày 7/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.
Tại dự thảo được công bố trước đó cho thấy khung mức thuế đối với hầu hết các mặt hàng hiện đang chịu thuế bảo vệ môi trường đều tăng mức khá mạnh. Đáng chú ý, đối với mặt hàng xăng, trừ ethanol có thể ở mức 3.000 – 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 – 6.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 – 4.000 đồng/lít. Mặt hàng xăng E5, E10 có thể ở khung mức thuế từ 2.700 – 7.200 đồng/lít và 2.500 – 6.800 đồng/lít…
VCCI cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó, việc tăng giá đối với xăng dầu không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng lượng tiêu thụ của người dân. Nói cách khác, nếu mục tiêu chính sách là để hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể.
Cũng theo VCCI, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.
“Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản”, VCCI cho hay.
Sau khi chỉ ra những tác động tiêu cực, VCCI cho biết, việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước. “Do đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất mức sàn, mức trần và mức trung bình”, VCCI đề xuất.
Liên quan đến nội dung tại tờ trình cho biết, việc mở rộng khung thuế suất nhằm tăng tính chủ động khi điều hành mức thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ theo VCCI, lập luận này chưa thực sự hợp lý.
Nguyên nhân được chỉ ra là thuế bảo vệ môi trường nhằm định hướng hành vi và được xác định dựa trên mức độ gây ô nhiễm môi trường của việc sử dụng sản phẩm. Do đó, thuế suất cũng chỉ dựa trên mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm và khả năng thay thế của sản phẩm khác, mà đây là những biến số đầu vào tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, Thuế bảo vệ môi trường không liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế xã hội và không nên được điều chỉnh dựa theo chính sách phát triển kinh tế xã hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ lập luận này trong tờ trình.
Cũng tại văn bản này, VCCI cho biết, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. “Thuế bảo vệ môi trường, cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, là một nguồn thu không bền vững”, VCCI nêu quan điểm.