Đô thị không ô tô

ThienNhien.Net -Các nhà quy hoạch đô thị và thiết kế trên thế giới đang tính đến giải pháp quy hoạch thành phố không sử dụng ô tô.

Ô tô là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến môi trường, xã hội trong thành phố hiện đại. Vấn đề bức xúc nhất của ô tô trong đô thị là bãi đậu xe, đặc biệt là tại các trung tâm thành phố.

Sự trì trệ trong di chuyển quá lâu do quá trình ùn tắc giao thông đã gây ra nhiều tổn thất về cả kinh tế lẫn tinh thần cho cộng đồng và xã hội. Sự ùn tắc nghiêm trọng bởi ô tô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, góp phần làm trầm trọng thêm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Xuất phát từ những thực tế đó, các nhà quy hoạch đô thị và thiết kế trên thế giới đã tính đến giải pháp quy hoạch thành phố không sử dụng ô tô. Sau đây là một số ví dụ điển hình về dự án đô thị không ô tô:

Hamburg, Đức

Tại đây người ta đã và đang tiến hành triển khai dự án “Quy hoạch Mạng lưới Xanh” nhằm mục đích loại bỏ sự phụ thuộc vào ô tô trong thành phố trong vòng 20 năm tới. Dự án giúp chuyển đổi đô thị thành một loại đô thị tích hợp mà trong tương lai các thành phố lớn khác trên thế giới có thể học tập.

Hình ảnh của Hamburg trong 20 năm tới – đô thị không có ô tô.

“Quy hoạch Mạng lưới Xanh” của Hamburg sẽ tạo ra cho cộng đồng đi bộ và xe đạp những con đường mang tính thẩm mỹ, an toàn và tiện lợi sử dụng. Đó là mạng lưới kết nối với các khu vực cây xanh hiện có của thành phố với hệ thống đường không cho phép các loại xe ô tô hoạt động. Quy hoạch này sẽ được phát triển trong 15-20 năm tới, có sự kết nối với các khu vực như công viên, sân chơi, vườn cây, nghĩa trang… Mạng lưới này cho phép cộng đồng và du khách có thể di chuyển xung quanh thành phố hoàn toàn bằng xe đạp hoặc đi bộ. Mạng lưới sẽ chiếm tới 40% diện tích các khu đô thị.

Trong trường hợp của Hamburg, hơn 60 năm qua nhiệt độ trung bình của thành phố đã tăng 9 độ C. Mực nước biển đã tăng 20cm và các chuyên gia dự kiến sẽ tăng thêm 30cm vào năm 2100. Quy hoạch đô thị không có xe ô tô được đề xuất để giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), mở rộng hành lang không gian xanh nhằm làm giảm bớt hiện tượng thiên tai lũ lụt và bão táp.

“Quy hoạch Mạng lưới Xanh” này còn nhằm mục đích cải thiện sức khỏe nói chung của cộng đồng cư dân thành phố. Theo Angelika Fritsch – phát ngôn viên của thành phố Hamburg giải thích: Dự án tạo điều kiện cho mọi người cơ hội để đi bộ, tham gia thể thao như bơi lội hoặc cùng nhau tham gia thưởng thức những buổi dã ngoại để có thể chiêm nghiệm cuộc sống thanh bình với thiên nhiên và động vật hoang dã ngay trong thành phố. Và điều đó sẽ làm giảm sự cần thiết phải sử dụng xe ô tô để đi ra ngoài thành phố vào cuối tuần, từ đó giảm ô nhiễm đô thị, sức khỏe cộng đồng được cải thiện.

Dự án này là một phần của một xu hướng phát triển, đặc biệt là ở châu Âu, xu hướng tạo ra mạng lưới xe đạp rộng khắp cả toàn thành phố, kết nối giữa trung tâm với khu vực ngoại ô. Brussels là Thủ đô và là thành phố lớn nhất của Bỉ và một trong những thành phố đông đúc nhất châu Âu, hiện cũng đang dự tính về một thủ đô không có xe ô tô.

Đan Mạch, Copenhagen

Thủ đô Đan Mạch là Copenhagen đã bắt đầu triển khai thực hiện một quy hoạch đầy tham vọng với một quyết tâm xây dựng 26 làn xe mở rộng chỉ dành cho xe đạp như một phần của mục tiêu của thành phố trở thành Thủ đô carbon trung tính vào năm 2050.

Copenhagen đã đầu tư 20-25% ngân sách cho đường bộ vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Có khoảng 35.000 điểm đỗ không gian dành cho xe đạp dọc theo đường bộ, tăng sự tiện lợi và giảm những rắc rối của việc đậu xe. Trong khi đó, chính sách loại bỏ bãi đậu xe ô tô của thành phố từ 2-3% mỗi năm được thực hiện trong nhiều thập kỷ.

Hiện nay mỗi ngày có hơn một nửa dân thành phố Copenhagen (Đan Mạch) đạp xe đi làm. Chú trọng phát triển các khu vực đi bộ từ những năm 1960, Copenhagen tới nay đã có những tuyến đường dành riêng cho xe đạp trải dài hàng trăm km. Nhờ vậy mà thành phố này có tỉ lệ sở hữu xe riêng thấp nhất châu Âu.

Giethoorn, Hà Lan

Giethoorn đã trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch muốn tận hưởng cuộc sống đơn giản và thư giãn hơn. Đồng thời, Giethoorn cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tránh xa xe hơi.

Giethoorn được thành lập bởi một nhóm người lánh nạn vào năm 1230. Khi đến vùng đất này, nhóm người lánh nạn đã nhìn thấy một đống sừng dê, được dự đoán bị cuốn từ vùng lũ đến.

Những người khai hoang đã tạo ra hệ thống kênh rạch khi phát hiện tại Giethoorn có rất nhiều than bùn. Để vớt than bùn lên, những người khai hoang đã đào những rạch nước nông làm đường cho thuyền di chuyển. Về sau, những kênh rạch này đã khiến Giethoorn trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.

Giethoorn có hệ thống kênh rạch để người dân di chuyển hàng ngày.

Ngày nay, người dân tại Giethoorn sử dụng những chiếc thuyền chạy bằng mô-tơ điện nhỏ để đi lại trên hệ thống kênh rạch. Họ dùng thuyền làm phương tiện di chuyển hàng ngày hoặc chở khách du lịch. Vào mùa đông, khi các con kênh bị đóng băng, hàng ngàn khách du lịch lại tới Giethoorn để trượt tuyết.

Nguồn: