ThienNhien.Net – Không chỉ có đóng góp quan trọng về kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm thiểu những tác động ngày càng khắc nghiệt và bất thường của biến đổi khí hậu.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn về việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua. Thứ trưởng cho biết lý do chính nào tạo lên sự thành công trong xuất khẩu mặt hàng này?
Trong 15 năm qua, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đã có sự tăng trưởng rất nhanh chóng. Năm 2016, tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay, xấp xỉ 7,2 tỷ USD. Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng nhanh do chúng ta có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng tham gia cạnh tranh, phát triển lành mạnh.
Các doanh nghiệp cũng rất năng động, sáng tạo, đầu tư thiết bị công nghệ chế biến gắn với thị trường, mở được thị trường xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện đồ gỗ nội, ngoại thất chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu gỗ, đồ gỗ và lâm sản, đặc biệt các thị trường khó tính nhất, đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những thị trường khó tính này hiện chiếm tỷ trọng hơn 50% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu trong nước ổn định và tạo được sự cạnh tranh về giá cả phục vụ ngành sản xuất chế biến đồ gỗ. Năm 2016, rừng trồng các loại trong nước đã cung cấp khoảng 17 triệu m3 gỗ nguyên liệu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài.
Năm 2016, Việt Nam chỉ còn nhập hơn 1,8 tỷ USD, giảm gần 16% so với năm trước. Việc giảm nhập nguyên liệu này trong khi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh là minh chứng cho việc đóng góp rất lớn của ngành lâm nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về dư địa phát triển những mặt hàng này của nước ta trong thời gian tới ?
Hiện kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của chúng ta lớn nhất trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3-4 trên thế giới. Dư địa phát triển ngành này còn rất lớn để chúng ta liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị bằng việc kéo dài chu kỳ rừng để có gỗ lớn, nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến.
Chiếm lĩnh được thị trường, phát triển được thị trường về số lượng là tốt, tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn là phải đảm bảo được giá trị gia tăng.
Năm 2016, chỉ tiêu trồng rừng của một số loại rừng không đạt kế hoạch đề ra. Vậy năm nay, ngành lâm nghiệp sẽ có giải pháp như thế nào để đạt chỉ tiêu ?
Năm qua, chỉ tiêu trồng rừng đạt 96%; trong đó, trồng rừng sản xuất đạt hơn 100%, nhìn nhận khách quan chủ trương xã hội hóa đi đúng hướng, sát thực tiễn. Rừng phòng hộ và đặc dụng đạt 86%, kéo kết quả chỉ tiêu trồng rừng xuống, đây là lĩnh vực phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Trồng rừng thay thế cũng không đạt kế hoạch, những diện tích không đạt chủ yếu ở các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, bởi trước đó các dự án này không có hợp phần cho trồng rừng thay thế. Khó khăn về nguồn kinh phí nên trồng rừng các loại trên không đáp ứng được chỉ tiêu.
Năm 2017, ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện trồng rừng tập trung 205.000 ha; trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 15.000 ha, rừng sản xuất 190.000 ha, trồng rừng thay thế trên 24.000 ha…
Đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có. Trong đó, n gân sách Trung ương chi cho khoán bảo vệ khoảng 2,6 triệu ha rừng, ưu tiên khoán bảo vệ rừng đối với các huyện thuộc chương trình 30a và diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng có nguy cơ xâm hại cao.
Để nâng cao chất lượng rừng trồng, ngành sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng giống. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống, trong đó ưu tiên đối với các loài cây trồng rừng chính, các giống cây trồng được sản xuất bằng công nghệ cao và năng suất cao.
Với điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, năm 2017 phải có giải pháp linh hoạt hơn, để có nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này. Tôi không đồng tình nếu giảm chỉ tiêu này mà phải bằng giải pháp sáng tạo, vận dụng cơ chế hỗ trợ, với nguồn vốn ngân sách như vậy nhưng vẫn phải hoàn thành trồng rừng thay thế.
Trồng rừng thay thế cần từ 30 – 50 triệu đồng/ha mà nếu chỉ dùng nguồn vốn ngân sách thì rất lớn. Nhưng nếu chúng ta vận dụng cơ chế hỗ trợ cho người dân, cộng đồng thì chỉ mất 10 triệu đồng/ha. Như vậy, vấn đề cần tháo gỡ là cơ chế, chúng tôi sẽ có đề xuất cụ thể về vấn đề này lên Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2017, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp gì trong việc bảo vệ rừng và đưa tăng trưởng của lâm nghiệp hướng đến bền vững?
Những giải pháp đã được ngành đưa ra và thực hiện trong những năm qua, năm nay sẽ thực hiện sáng tạo và quyết liệt hơn. Đầu tiên là thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng cửa rừng tự nhiên. Điều này sẽ tạo về áp lực trong bảo vệ rừng nhưng với yêu cầu, quyết tâm đó, năm 2017, ngành phải giảm được 20% vụ vi phạm, giảm 50% các hành vi xâm hại rừng. Nếu không đạt được mục tiêu này thì coi như công tác bảo vệ rừng không thành công.
Ngành sẽ tập trung tái cơ cấu với các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, quản lý giống, quản lý trồng rừng theo chuỗi liên kết từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn và đây là giải pháp ưu tiên. Đẩy mạnh chế biến sau dăm để giảm tỷ trọng dăm xuất khẩu, bằng việc phát triển chế biến viên nén, gỗ ghép, MDF…
Cùng với đó, không để việc lợi dụng các chính sách thuế như thực hiện tạm nhập tái xuất, dẫn đến có thể tăng trưởng bong bóng về thành tích nhưng không lợi về ngân sách mà có rủi ro về thương mại.
Ngành tiếp tục tái cơ cấu về liên kết chuỗi, trước hết là cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh, chế biến với hộ chủ rừng theo mô hình liên kết bền vững. Cùng với đó phải thực hiện mạnh việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp, hiện đang quản lý khoảng 1,8 triệu ha đất lâm nghiệp. Phải sắp xếp đồng bộ theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Về thị trường, ngành sẽ đẩy mạnh thị trường trong nước. Giá trị tiêu thụ trong nước hiện nay khoảng 7 tỷ USD, chúng ta phải hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Theo đó, sẽ hình thành 3 khu công nghệ cao của lâm nghiệp. Đây cũng là khu sản xuất tập trung công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và là trung tâm giới thiệu các sản phẩm lâm nghiệp trong nước.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thành Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Giữ các mối quan hệ với thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nên hài hòa hóa bằng luật.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!