ThienNhien.Net – Theo báo cáo của Grand View Research, doanh thu của thị trường các tấm pin Mặt trời nổi trên toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 13,8 triệu USD trong năm 2015 lên đến 2,7 tỉ USD năm 2025. Trong 3 năm tới, tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt tới 50%.
Dự tính nhu cầu về công nghệ pin Mặt trời nổi tăng cao trong 8 năm tới, khi các tấm pin Mặt trời được bố trí trên bề mặt của hồ nước tự nhiên hoặc nhân tạo.
Sở dĩ như vậy một phần là nhờ công nghệ này không đòi hỏi diện tích trên mặt đất: đối với nhiều quốc đảo đó là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Hơn nữa, các nhà máy năng lượng Mặt trời công nghệ nổi trên mặt nước có lợi thế về độ phản xạ cao (tỷ lệ ánh sáng phản xạ từ bề mặt nước) và làm mát tự nhiên, tạo ra năng suất cao.
Thị trường Floatovoltaics – các tấm pin năng lượng Mặt trời nổi – sẽ diễn ra sôi động tại Nhật Bản, Anh, Trung Quốc và Brazil. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ đi đầu về công nghệ này, chủ yếu là do sự hạn chế về đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Trong năm 2015, Nhật Bản chiếm 75% doanh thu thị trường pin Mặt trời nổi. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản quyết định xây dựng một số lượng lớn các trạm mới.
Nhà máy điện Mặt trời nổi lớn nhất hiện nay là một hồ chứa ở đập Yamakura tại Nhật Bản, sản xuất 13,7 MW năng lượng, được xây dựng xong vào đầu năm 2016, cung cấp đủ điện cho 5.000 ngôi nhà.
Hiện tại tất cả các trạm năng lượng Mặt trời nổi sản xuất ra không dưới 50 MW điện, nhưng trong năm 2017 có thể tăng gấp đôi – Benjamin Attya, nhà phân tích của Global Solar Market khẳng định. Theo ông, nên sử dụng công nghệ pin Mặt trời nổi chủ yếu tại các nhà máy xử lý nước thải, các đập, hồ chứa và các đầm lầy – vùng đất ngập nước, nơi họ có thể bảo vệ chống lại tình trạng bốc hơi và tảo.
Đặt các tấm pin Mặt trời dọc theo kênh rạch cũng là việc làm đầy hứa hẹn, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ.
Theo ITNews, những nhược điểm của công nghệ này là chi phí cao cho việc lắp đặt, bảo trì và sóng biển, gây trở ngại cho việc lắp đặt các pin nổi trên bề mặt của biển và đại dương.
Bãi thử nghiệm lớn nhất để kiểm tra các tấm pin Mặt trời đặt tại Singapore. Các nhà chức trách quốc đảo này muốn tìm hiểu toàn bộ ý tưởng sản xuất năng lượng Mặt trời bằng các tấm pin nổi xem hiệu quả đến đâu, đặc biệt điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và môi trường như thế nào.