ThienNhien.Net – Hồi còn học lớp 9 trường Petrus Ký, cách nay gần 50 năm, một lần tôi được một người bạn học của chị tôi dẫn vào thăm Khoa học Đại học Đường, tức trường Đại học Khoa học Sài Gòn, ngôi trường hiện nay có tên Đại học Tổng hợp TP. HCM. Lần đó chị giới thiệu tôi với một người đàn ông tươi cười và nhanh nhẹn: “Thưa thầy, em của em”. Ông đặt tay lên vai tôi và nói với chị: “Ờ, dẫn em đi coi trường mình đi. Biết đâu sau này em thích nghiên cứu khoa học”.
Đó là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, người mà khi về nhà tôi được các anh chị cho biết là một nhà khoa học về Thực Vật học nổi tiếng, tác giả các bộ sách khoa học giá trị, và cũng là bạn học của anh tôi những năm 1940 tại collège Cần Thơ, nay là trường trung học Châu Văn Liêm. Phải nói, lúc đó tôi ngưỡng mộ ông biết bao!
Số phận đưa đẩy năm sáu năm sau tôi là sinh viên học với ông. Trông ông không có gì khác biệt so với lần gặp trước, tôi lại càng ngưỡng mộ ông hơn, từ đây đã là Thầy của tôi, bởi tính giản dị rất thật lòng. Những kiến thực cao và tinh tế được ông trình bày bằng một tiếng Việt dễ hiểu, thuần phác. Nét mặt đó, nụ cười đó, cùng với thái độ ân cần năm năm trước, là bài học đầu tiên ngoài lãnh vực chuyên môn tôi được học của Thầy.
Cuối thập niên 1970, tôi trở thành cán bộ giảng day của trường và lúc nào cũng xem mình là người học trò nhỏ của ông. Bộ môn tôi làm việc khác với bộ môn của ông. Một ngày kia, ông nhắn tôi tới phòng làm việc. Tôi gõ nhẹ vào cửa:
“Thưa thầy, thầy gọi em?”
Ông bước khỏi bàn làm việc, bước ra salon, rót trà.
“Em ngồi uồng trà với tôi. Tôi mời em chớ không gọi em. Em lễ phép, tôi quí.
Thôi, bây giờ như vầy, em với tôi vẫn tình thầy trò, nhưng tư thế làm việc của em phải là của người đồng nghiệp của tôi”.
Sau vài câu, ông nói tiếp:
“Em cố gắng, tập thói quen làm việc có phương pháp và đúng giờ giấc ngay từ đầu, nếu không sau này khó tập. Em nhớ mạnh dạn và độc lập. Tôi lớn tuổi rồi, sau này có những chuyện không biết hỏi ai, em chỉ cho tôi.
Còn một điều nữa: mình làm khoa học phải biết nghe người khác. Lúc nào cũng nghĩ mình có thể sai. Lỗ tai và con mắt lúc nào cũng mở. Cái miệng để hỏi, phải biết cách hỏi để người ta nói cho mình nghe. Mà phải biết nghe cho hết cái ý”.
Nét mặt ông chân thành, tự nhiên. Tôi cảm động một cách thành kính trước những lời tự nhiên của bậc tiền bối muốn truyền kinh nghiệm, muốn khuyến khích một người trẻ mới vào nghề, đồng thời cũng muốn đặt nền móng cho sự hợp tác chuyên môn có thể trong tương lai. Ông đã vượt lên trên, vượt ra ngoài chẳng những sự tư ti, tự tôn, mà cả sự khiêm tốn để chỉ còn một tâm hồn khoa học, sư phạm và nhân bản thật trong veo. Đó là bài học thứ hai tôi học của Thầy.
Lúc đó chỉ mới vài năm sau ngày thống nhất. Ông được trao vị trí Phó hiệu trưởng. Trong bầu không khí “hồng hơn chuyên” nhưng tài năng và đức độ của ông không được dùng đúng với vai trò, vị trí chính thức. Tôi, vừa xót cho ông và vừa tiếc cho các sinh viên nên có những lời tâm sự với ông, trách móc thái độ của một số người vào tiếp quản trường. Ông cười nói: “Mấy ảnh cũng tốt lắm, và làm phận sự của mấy ảnh. Ai cũng có tấm lòng!”. Trong những lần tiếp xúc với ông sau đó, tôi chưa từng nghe ông nói xấu bất kỳ một vị giáo sư nào khác. Ông dễ thấy nơi người khác rằng ai cũng có tấm lòng. Đó là bài học thứ ba tôi học của Thầy.
Khoảng năm 1984-1985 gì đó, một hôm, ông đến chào tôi: “Tôi tới chào anh để đi Pháp”. Tôi thật sự ngạc nhiên và cảm động. Một kẻ trẻ măng chưa có vị trí hay đóng góp gì, vậy mà ông, người cao vời vợi trong con mắt tôi, lại tới chào từ biệt. Lòng khiêm cung giản dị của Thầy là một bài học khác cho tôi.
Hai năm sau tôi cũng đi Pháp. Số đời lại đưa đẩy, tôi làm việc tại Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, trong phòng thí nghiệm về Cá (Laboratoire d’Ichthyologie), nằm trong một tòa nhà chỉ cách phòng thí nghiệm Thực Vật Học, nơi ông làm việc một khoảng sân.
Vài tuần một lần, hai thầy trò hẹn nhau, khi thì tại góc uống trà trong phòng thí nghiệm, Khi thì ngồi trên ghế đá của Vườn Thực Vật (Jardin des Plantes), khi thì ra đường Jussieux dùng buổi trưa trong một tiệm bánh ngọt, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ hay vào một tiệm ăn Hy Lạp. Câu chuyện của hai thầy trò, một cách tự nhiên, tập trung vào hai lãnh vực chính: chuyên môn Sinh học và hoàn cảnh đất nước.
Tại Pháp, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ tiếp tục công việc ông đã liên tục làm mấy chục năm qua: phân loại các loài thực vật. Trước kia ông phân loại Cây Cỏ Miền Nam, qua Pháp ông phân loại thực vật Đông Dương từ bộ sưu tập vĩ đại của người Pháp. Sức làm việc cần mẫn vào lứa tuổi của ông thực đáng kính phục!
“Tôi ráng làm càng nhiều càng tốt. Bộ sưu tập của Pháp rất dồi dào, đúng phương pháp khoa học. Do được sưu tập từ mấy mươi năm trước, các mẫu vật đã cũ, mình không làm gấp e sẽ hư hỏng thì uổng quá”.
Lời tâm sự của ông làm tôi cảm động:
“Nhiều người Trung Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã đến tìm học các bộ sưu tập thực vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có chủ trương gì đó không. Tài nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết mà người ta biết thì người ta xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy riết rồi người ta áp chế mình, ăn trên ngồi trước còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng là có độc lập mà còn thua hồi thuộc Pháp!”
Sự cần mẫn trong chuyên môn, lòng chân thành với đất nước không phô trương là bài học của Thầy, tôi sẽ học suốt đời.
Một cánh chim đầu đàn như vậy mới có được một tập thể các thầy cô Lê Công Kiệt, Thái Văn Tùng, Tô Ngọc Anh cùng nhiều người khác của bộ môn Thực Vật Học tại Sài Gòn Khoa học Đại học Đường.
Năm 2004, tôi ghé Montreal thăm Thầy, lúc đó đang bị Alzheimer khá nặng. Thầy không còn nhớ nhiều chuyện xưa, nhưng tôi mãi nhớ các bài học của Thầy.
Hôm nay, Thầy ra đi, tôi nghe nỗi buồn man mác và nhẹ nhàng như hương khói bay lên, trong hương khói đó, thấp thoáng nụ cười chân thật, ấm áp, hiền lành…
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Là Giáo sư Thực vật học của Việt Nam, ông nổi tiếng với bộ sách ba quyển “Cây cỏ Việt Nam” (An illustrated flora of Vietnam, 1999) và quyển “Cây có vị thuốc ở Việt Nam” (2003) cùng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Ông sinh năm 1931 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Thạc sĩ Vạn vật học, Tiến sĩ Khoa học (Paris), từng là Giáo sư thực thụ tại trường Đại Học Khoa Học Saigon, Khoa Trưởng trường Đại Học Sư Phạm, viện trưởng sáng lập viên Đại Học Cần Thơ, cựu Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, nguyên Giáo Sư khảo cứu tại Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên Quốc Gia Paris, hội viên nhiều Hội Khoa Học Quốc Tế và là tác giả của nhiều ấn phẩm về Thực Vật học Việt Nam như: Rong Biển Việt Nam (1969), Tảo Học (1972), Sinh Học Thực Vật (in kỳ tư 1973) Hiển Hoa Bí tử (in kỳ nhì 1975 ) Cây Cỏ Việt Nam (6 tập, 1991-1993) Cây Có Vị Thuốc Ở Việt Nam (2006) Giáo sư Phạm Hoàng Hộ qua đời vào ngày 29.1.2017 tại Canada. |