Khả năng cảnh báo sớm thiên tai của Việt Nam như thế nào?

Mỗi khi có tai họa do thiên tai giáng xuống, dư luận lại dấy lên thông tin cho rằng khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai của Việt Nam có vấn đề. Vậy thực tế, khả năng dự báo, cảnh báo sớm thiên tai của Việt Nam là như thế nào?

Chia sẻ về khả năng dự báo, cảnh báo sớm các loại thiên tai khí tượng thủy văn, TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, hạn vừa thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, qua hai năm 2015-2016 cho thấy, hệ thống dự báo tổ hợp tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn diện rộng, không khí lạnh, sự tăng cường hoặc yếu đi của các nhiễu động nhiệt đới bao gồm cả bão và ATNĐ trên biển Đông từ 7-10 ngày trước khi hiện tượng xuất hiện.

Nêu một số ví dụ cụ thể, ông Lâm cho biết, gần đây, Trung tâm đã dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn miền Trung thời kỳ những tháng cuối năm 2016, phát hiện và cảnh báo sớm sự dịch chuyển và suy yếu của bão số 10, dự báo sớm và sát thực tế các đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh trong mùa đông xuân 2016-2017.

“Tuy nhiên, các dự báo, cảnh báo sớm này thường khó nắm bắt được các cực trị cao nhất hoặc thấp nhất của từng hiện tượng cũng như khu vực cụ thể xuất hiện các giá trị cực trị. Sai số vị trí của dự báo bão trong 24h ở ngưỡng 100-150km, 48h đạt 180-220km và 72h sai số vị trí ở trong khoảng 280-300km” – ông Lâm cho biết.

Về khả năng dự báo dông, lốc, vòi rồng, lũ quét, theo TS Lâm, năng lực dự báo các hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ như dông, lốc và vòi rồng ở Trung tâm hiện nay còn hạn chế. Mặc dù các bản tin cảnh báo mưa, dông đầu tiên đã được thực hiện từ năm 2015 nhưng do thời gian xuất hiện và kết thúc của các hiện tượng nói trên ngắn nên thông tin cảnh báo dông lốc tới được cộng đồng còn chậm trễ, chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

“Hiện nay, các tin cảnh báo mưa dông, lốc, mưa đá sớm hơn so với diễn biến thực tế từ 15 phút cho tới khoảng một, hai giờ” – TS Lâm cho hay.

Trong khi đó, lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được, chỉ thực hiện cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng.

“Dự báo lũ quét là vấn đề khó. Ngay cả các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản với các kỹ thuật hiện đại như vệ tinh, rađa thời tiết, hệ thống máy móc đo đạc tự động cũng chỉ đưa ra những cảnh báo lũ quét cho một khu vực chứ không phải cho một vị trí cụ thể nào” – Ông Lâm thông tin.

Về khả năng dự báo, cảnh báo lũ, theo TS Lâm, khả năng dự báo và độ chính xác tùy thuộc vào thời gian dự kiến của dự báo và vị trí dự báo.

“Càng dự báo dài hơn so với thời gian tập trung nước trên lưu vực, thì độ chính xác, độ tin cậy cũng giảm theo. Thời gian dự kiến dự báo quá trình lũ cho khu vực Trung bộ, Tây nguyên từ 3-12 giờ, 24 giờ đối với các sông lớn; cho các sông ở Bắc bộ 6 – 48 giờ (ở thượng lưu lưu 24 giờ, hạ lưu 48 giờ); Sông Cửu Long trước 5 ngày. Mức đảm bảo dự báo khoảng 75 – 80%” – TS Lâm cho biết.

Đối với khả năng cảnh báo hạn hán, theo TS Lâm, có khả năng cảnh báo trước từ 10 ngày đến 3 tháng. “Hạn hán có đặc điểm là hình thành, phát triển chậm, thời gian ảnh hưởng kéo dài và thường chỉ được phát hiện khi con người đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hạn” – Trưởng phòng Dự báo hạn vừa, hạn dài nói.

Đối với khả năng cảnh báo xâm nhập mặn, theo ông Lâm, Trung tâm có khả năng thực hiện trước 10 ngày tới 1 tháng.

“Như vậy có thể thấy, trong những năm gần đây, độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, đặc biệt trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng” – TS Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, bên cạnh những mặt tích cực, việc dự báo chỉ mới có tiến bộ nhiều về mặt định tính (khu vực, thời gian xuất hiện), còn về mặt dự báo định lượng vẫn còn những hạn chế.

“Hiện nay chúng ta đang trải qua tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến thiên tai hoạt động trái quy luật, bất thường. Ngoài ra, mạng lưới thám sát thiên tai, công nghệ dự báo lạc hậu, năng lực của dự báo viên chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn” – ông Lâm phân tích.

Việc cảnh báo sớm thiên tai giúp công tác phòng chống hiệu quả, giảm thiệt hại

Đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ có năng lực

Theo TS Lâm, cần phải có lộ trình, biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Việc này đòi hỏi trong thời gian tới cần tiến hành thực hiện đồng bộ các biện pháp, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trọng tâm sẽ tập trung vào việc ứng dụng, nâng cao công nghệ dự báo thiên tai; đầu tư trang thiết bị phục vụ thám sát thiên tai; đặc biệt là đào tạo cán bộ có năng lực cao.

Mặc dù vậy, TS Lâm cũng lưu ý, “cần phải hiểu được thực trạng năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng với từng loại hình thiên tai cụ thể hiện ra sao, chúng ta mới có những đầu tư kịp thời, thỏa đáng”.

Lấy ví dụ về năng lực cảnh báo vị trí và hướng di chuyển của bão ở các nước có trình độ khoa học khí tượng phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, TS Lâm cho biết:

“Nhìn chung, sai số dự báo bão trung bình trong thời hạn 24h, 48h và 72h của họ lần lượt ở khoảng 100-120km, 170-190km và 250-280km. Những sai số đó là tới hạn dự báo, là trình độ khoa của họ hiện nay. Và độ tin cậy, độ chính xác trong bản tin của họ hàm ý khi sai số dự báo nằm trong khoảng đó.

Ở Việt Nam, sai số dự báo vị trí, hướng di chuyển của bão trong các thời hạn trên hiện nay cũng lần lượt ở khoảng 100-150km, 180-220km, 280-300km, đây cũng phải được hiểu là độ tin cậy đối với các cơ quan chức năng phòng chống thiên tai có liên quan”.

Theo TS Lâm, trong dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão như vậy, trong khi dự báo cường độ bão còn rất nhiều tồn tại.

“Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả các nước tiên tiến đều chưa có nhiều tiến bộ trong dự báo cường độ  bão (sai số trung bình trong thời hạn 24h, 48h lần lượt là 2-3 cấp bão, dự báo cường độ thời hạn 72h hầu như không có tính tham khảo cao)” – TS Hoàng Phúc Lâm khẳng định.

Theo ông Lâm, trong thời gian tới, việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ dự báo, mạng lưới thám sát thiên tai dù hiện đại, tiên tiến và cần thiết thế nào cũng phải được hiểu là để giúp chúng ta tiệm cận đến trình độ dự báo thế giới, nâng cao độ tin cậy, độ chính xác trong các bản tin cảnh báo, dự báo.

“Điều quan trọng hơn là phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có cơ chế đặc biệt, mục tiêu đào tạo, chương trình phát triển cán bộ năng lực cao đáp ứng yêu cầu làm chủ trang thiết bị, làm chủ kiến thức khoa học mới để có thể bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai ngày càng bất thường hơn” – TS Hoàng Phúc Lâm nói.

Nguồn: