ThienNhien.Net – Theo Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh chóng đặt ASEAN trước những thách thức mới cần xử lý.
Đã hơn một năm kể từ khi Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức hình thành,không thể phủ nhận đây là một trong những bước tiến quan trọng nhất trong lịch sử của Hiệp hội.
Nhìn lại năm 2016 đã qua cũng là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn 2025, ASEAN bước đầu thu được kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới Đinh Dậu, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
Kết quả đáng khích lệ sau 1 năm hình thành
PV:Thưa Đại sứ, ông có thể điểm lại những kết quả nổi bật của việc triển khai Cộng đồng ASEAN sau một năm thành lập?
Đại sứ Nguyễn Hoành Năm: Trong năm 2016, công tác xây dựng cộng đồng được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đáng chú ý, với những kinh nghiệm và bài học rút ra trong quá trình xây dựng cộng đồng những năm trước đây, trong năm qua, ASEAN từng bước đổi mới cách làm theo hướng bài bản và hiệu quả hơn, thông qua việc phân công, phân nhiệm cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị chuyên trách tới việc xác lập hệ thống theo dõi, đánh giá cả số lượng và chất lượng của việc thực thi. Các cơ quan điều phối được yêu cầu phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, tham gia phối hợp các hoạt động hợp tác để bảo đảm lợi ích chung.
Ở bình diện quốc gia, các nước thành viên có trách nhiệm tiếp tục xem xét, lồng ghép các cam kết, thoả thuận khu vực vào chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia.
Nhờ cách làm mới này và nỗ lực chungcông tác xây dựng cộng đồng ASEAN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chẳng hạn, về hợp tác chính trị – an ninh, có 165/290 dòng hành động đã được thực hiện. ASEAN cũng xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch công tác về hợp tác kinh tế và văn hoá – xã hội.
Theo đó, hàng loạt kế hoạch, chương trình nhằm hỗ trợ quan hệ thương mại thông thoáng hơn, bảo đảm an ninh và an toàn lương thực, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp, quản lí thiên tai, cứu trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường, trao đổi giáo dục, lao động, văn hóa… được thông qua và đưa vào triển khai.
Bên cạnh việc cải tiến về cách làm là việc tăng cường hơn về nhận thức. Các nước ASEAN đều nhất trí và ngày càng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng một ASEAN thực sự của người dân và vì người dân, bảo đảm mọi hoạt động hợp tác đều hướng tới phục vụ người dân và lấy người dân làm trung tâm. Đây là vấn đề đang ngày càng trở nên bức thiết, nhất là trong bối cảnh của những diễn biến tình hình quốc tế hiện nay.
Quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ với 10 đối tác đối thoại hiện có mà còn với nhiều đối tác khác. Đáng chú ý, năm 2016 ASEAN đã có các cuộc Hội nghị cấp cao như Cấp cao đặc biệt với Mỹ, Cấp cao kỷ niệm với Nga, Trung Quốc với những kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác khác như Đức, Thuỵ Sỹ, đồng ý để Chile, Ai cập, Iran và Ma-rốc tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC).
Đáng chú ý, trong năm 2016, ASEAN cũng đã thông qua nhiều tuyên bố và văn kiện quan trọng liên quan đến tình hình khu vực và quốc tế.Mặc dù trong bối cảnh diễn biến khu vực phức tạp, trong đó có sự cọ xát giữa các nước lớn, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực.
Một kết quả đáng chú ý nữa là ASEAN đã hoàn tất 2 văn kiện quan trọng là Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III, qua đó hoàn chỉnh bộ văn kiện Tầm nhìn 2025 để các nước ASEAN triển khai hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Chặng đường dài phía trước
PV:Có ý kiến cho rằng, trong năm qua, hoạt động của Cộng đồng ASEAN chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi, sự kết nối vẫn còn chưa chặt chẽ, ý kiến của Đại sứ về việc này như thế nào? Thách thức lớn nhất hiện nay là gì để Cộng đồng ASEAN có thể gắn kết chặt chẽ hơn?
Đại sứ Nguyễn Hoành Năm: Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình lâu dài, từng bước và liên tục.Với thành phần đa dạng và đều là những nước vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, các nước ASEAN đang cố gắng để ngày càng liên kết hơn và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Cũng cần chú ý rằng, bên cạnh việc triển khai xây dựng Cộng đồng với một số kết quả như nêu trên, trong năm 2016, công việc của ASEAN là tiếp tục hoàn tất các văn kiện như về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển… cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Để triển khai thành công các mục tiêu, kế hoạch đề ra, đưa các nước gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn, ASEAN còn rất nhiều việc phải làm.
Bên trong, ASEAN cần tiếp tục cải tiến quy trình và phương thức hoạt động,phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan tham gia tiến trình xây dựng cộng đồng, bảo đảm các cơ quan phối hợp nhịp nhàng, thông suốt với nhau, huy động sự tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn của người dân, cải tiến quy trình huy động nguồn lực cũng như sự tham gia, đóng góp của người dân.
Với bên ngoài, những diễn biến phức tạp trong tình hình quốc tế và khu vực, từ những vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, cọ xát giữa các nước lớn, tình hình phức tạp ở Biển Đông tới xu hướng bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hoá, chủ nghĩa dân túy… cũng đang tác động và đặt ASEAN trước những thách thức mới cần xử lý.
Trong tình hình đó, hơn bao giờ hết việc các nước ASEAN tăng cường hơn nữa xây dựng Cộng đồng, tự cường, duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực, tăng cường và đa dạng hóa các các mối quan hệ đối ngoại… có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tiếp tục gắn kết và phát triển, tăng cường vai trò, uy tín của ASEAN, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Đây sẽ là những vấn đề ASEAN sẽ trao đổi và tìm kiếm giải pháp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, ASEAN sẽ kỉ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội. Đây là dịp để ASEAN nhìn lại chặng đường phát triển của mình trong 50 năm qua, đồng thời thông qua đó đề ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong việc xây dựng cộng đồng trong những năm tới. Các nước ASEAN đang phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động kỉ niệm này.
Việt Nam tích cực, chủ động và có trách nhiệm
PV:Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam từ khi ASEAN trở thành một Cộng đồng? Việt Nam sẽ cần phải làm gì để đóng góp xây dựng phát triển Cộng đồng ASEAN?
Đại sứ Nguyễn Hoành Năm: Trong năm 2016, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN triển khai các hoạt động hợp tác ưu tiên trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá – xã hội, đồng thời tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện những cam kết trong xây dựng Cộng đồng.
Chúng ta cũng tích cực tham gia và đóng góp vào hợp tác kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, trong đó có hoàn tất việc xây dựngKế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt tới ASEAN, trong đó có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, chúng ta đã phối hợp chặt với các nước ASEAN xử lý kịp thời và hữu hiệu, bảo đảm đoàn kết nội khối cũng như đóng góp cho hoà bình và an ninh khu vực, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. Chỉ tính đến tháng 9/2016, ASEAN đã ra 11 tuyên bố riêng bày tỏ lập trường về những sự kiện xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào việc mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Đặc biệt, với vai trò nước điều phối, ta đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác ASEAN-Ấn Độ đạt những tiến triển cụ thể trong năm vừa qua.
Trong những năm tới, trên tinh thần “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN tích cực tham gia triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch đi kèm, trong đó chú trọng chất lượng thực thi để bảo đảm mọi hợp tác của ASEAN đều mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân.
Riêng trong năm 2017, chúng ta cũng sẽ cùng tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN với mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ gắn kết giữa người dân các nước; đồng thời ngoài vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN – Ấn Độ, chúng ta sẽ đảm nhận vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Liên minh Thái Bình Dương và Chủ tịch Nhóm Đặc trách Sáng kiến liên kết kinh tế ASEAN.
PV:Vâng, xin cảm ơn Đại sứ!