Vụ “Ai bảo kê gỗ lậu” tại Bắc Tây Nguyên: Tỉnh Gia Lai truy tìm nguồn gốc gỗ

ThienNhien.Net – Liên quan đến bài viết “Ai bảo kê gỗ lậu” mà Lao Động phản ánh, ngày 23.1, UBND huyện Chư Pah (Gia Lai) cho biết đã có văn bản gửi TP. Kon Tum (Kon Tum) và huyện Đắc Đoa (Gia Lai) phối hợp điều tra nguồn gốc số gỗ vi phạm.

Gỗ lậu tập kết dọc sông của tỉnh Kon Tum. Ảnh: Đình Văn

Huyện Chư Pah nhấn mạnh, việc truy tìm nguồn gốc nhằm làm cơ sở xử lí tập thể, cá nhân tại địa bàn nếu có liên quan. Văn bản phát đi ngay trong ngày báo Lao Động đăng tải bài viết.

Theo đó, huyện Chư Pah yêu cầu Hạt KL cùng CA huyện, Ban Quản lí rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, UBND xã Hà Tây (Chư Pah) khẩn trương phối hợp chặt chẽ với TP. Kon Tum và huyện Đắc Đoa điều tra nguồn gốc, vị trí khai thác. Yêu cầu trước ngày 25.1, phải báo cáo vụ việc. Huyện Chư Pah cũng đồng kiến nghị TP. Kon Tum và huyện Đắc Đoa chỉ đạo chính quyền cơ sở cùng vào cuộc truy tìm nguồn gốc số gỗ được sớm nhất.

Đây được xem là động thái quyết liệt của tỉnh Gia Lai nhằm siết chặt lại ranh giới rừng giáp ranh với tỉnh Kon Tum.

Trước đó báo Lao Động số 17 (ra ngày 20.1) có bài viết: “Ai bảo kê gỗ lậu” phản ánh, lâm tặc kết gỗ thành bè cho trôi giữa sông Đắc Bla (Kon Tum). Đích đến là một mỏ cát của tỉnh Kon Tum, sau đó phân tán “xé lẻ”, trung chuyển bằng các xe tải lớn. Gỗ lậu tập kết tại TP.Kon Tum, tuy vậy, Hạt trưởng Hạt KL TP. Kon Tum – Vũ Hồng Sinh cho rằng: “Gỗ chưa chắc là của Kon Tum, mà có thể là từ huyện Chư Pah (Gia Lai) vận chuyển sang”. Ngược lại, Hạt phó Hạt KL huyện Chư Pah (Gia Lai) Nguyễn Ngọc Ni nói: “Giáp ranh với TP.Kon Tum (Kon Tum), ngoài huyện Chư Pah còn có huyện Kon Rẫy (Kon Tum) và huyện Đắc Đoa (Gia Lai). Vì thế chưa thể khẳng định gỗ từ đâu khai thác”.

Trước đó, trao đổi với Lao Động, một cán bộ tỉnh Kon Tum thẳng thắn: “Nguồn gốc thì tỉnh này hay đổ cho tỉnh kia. Cho nên, phải chờ khi bắt được đối tượng, “chờ” lâm tặc khai ra mới biết được”.