ThienNhien.Net – Với mong muốn giúp học sinh tiếp cận những phương pháp học sáng tạo, hai cô giáo trẻ: Vũ Bích Phương (Trường THCS Dịch Vọng) và Phạm Thị Hoa (Trường tiểu học Thực nghiệm) đã sáng lập mô hình “Dạy và học định hướng phát triển bền vững – ứng phó biến đổi khí hậu” – một trong 16 sáng kiến tiêu biểu tại Cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn tổ chức.
Sáng tạo trong cách dạy và học
Hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 8 Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội), Vũ Bích Phương (SN 1989) không hướng học sinh học thuộc lòng lý thuyết, mà giúp các em nắm bắt kiến thức trên cơ sở tìm hiểu thực tế, để phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Qua đó, nhiều cách nhìn nhận về những hiện tượng cuộc sống thú vị từ các em học sinh khiến Phương luôn cảm thấy bất ngờ, nhưng lại trăn trở, làm sao những câu hỏi hay, kiến thức, tài liệu hấp dẫn dành cho học sinh không chỉ bó hẹp ở một trường, mà được lan tỏa đến nhiều học sinh, giáo viên ở nhiều trường khác. Từng đoạt giải nhất trong cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2015” với sản phẩm “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực”, Bích Phương luôn mong muốn truyền đạt đến các em nền tảng kiến thức về môi trường qua những môn học tưởng chừng quen thuộc bấy lâu. “Chúng tôi thấy vấn đề gặp phải của các giáo viên, học sinh hiện nay là có ít sân chơi để giao lưu, trao đổi, truyền đạt tri thức các cấp học với nhau. Thêm vào đó, chúng tôi có nhiều nghiên cứu, các dự án về bảo vệ môi trường ứng dụng vào thực tiễn, vì vậy tôi và cô giáo Phạm Thị Hoa quyết định xây dựng trang web climatechange.edu.vn xoay quanh chủ đề ứng phó biến đổi khí hậu”, Bích Phương chia sẻ.
Cùng đồng hành với Bích Phương, cô giáo trẻ Phạm Thị Hoa cho biết: “Để xây dựng dự án, chúng tôi phải tìm hiểu kiến thức liên quan chủ đề biến đổi khí hậu, như: Biểu hiện của biến đổi khí hậu, nguyên nhân, tác động và cách ứng phó biến đổi khí hậu… Sau đó, nhóm nghiên cứu nội dung dạy học của các khối từ lớp 1 đến lớp 12, xây dựng hệ thống kiến thức môn liên quan chủ đề của trang web. Trong khi thực hiện, các thành viên kết hợp, trao đổi với những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp trong từng cấp học tại các trường: Tiểu học Dịch Vọng; tiểu học Thực nghiệm; THCS Dịch Vọng, THCS Nguyễn Phong Sắc; THPT Thực nghiệm”. Dự án không chỉ mở ra các kho tài nguyên trực tuyến về lý thuyết, kỹ năng dạy học, cách soạn giáo án dành cho giáo viên mà điều thú vị là có những đoạn video do chính các em học sinh tự làm về các chủ đề cuộc sống, nhận thức của các em về việc bảo vệ môi trường như: “Tác dụng xua muỗi từ sả”, “Hãy cùng chúng em bảo vệ bầu khí quyển trái đất”… Cô giáo Đỗ Thị Hồng Nhung, Trường THCS Nguyễn Phong Sắc, một trong những thành viên của trang web cho biết: “Đây là một môi trường không có giới hạn về không gian và thời gian. Học sinh và giáo viên có thể tham gia học và dạy mọi lúc, mọi nơi. Chính mỗi cá nhân tham gia sẽ làm tăng lên sự phong phú cho kho tư liệu, đồng thời giúp mọi người dễ dàng tìm hiểu về biến đổi khí hậu không chỉ tại nơi mình đang sống mà trên toàn thế giới”.
Vì mầu xanh mái trường
Không chỉ mở ra một không gian kiến thức, cô giáo Vũ Bích Phương còn truyền cảm hứng cho học sinh biết yêu và bảo vệ môi trường từ những việc làm thiết thực. Đến Trường THCS Dịch Vọng, chúng tôi bất ngờ trước một vườn treo đầy mầu sắc được xây dựng để tạo không gian thoáng mát cho sân trường. Được biết, mô hình đó là do em Nguyễn Nam Khánh, học sinh lớp 8E (Trường THCS Dịch Vọng) thực hiện. Từ những bài học về việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, Nam Khánh đã trình bày ý tưởng và nhận được sự hướng dẫn của cô giáo Bích Phương cũng như sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường. Ngoài giờ lên lớp, Nam Khánh thường dành thời gian thiết kế dàn cây, đến các vườn, các trại cây giống trong thành phố để tìm hiểu thêm kiến thức trồng trọt. Sau khi tìm hiểu và được cô giáo tư vấn, Nam Khánh cùng bố dựng vườn treo rộng hơn 50 m2, với các loại cây dây leo dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc mà lại chịu được nắng nóng. Nam Khánh cho biết, dựng vườn treo chống nắng cho sân trường chỉ là bước đầu, về lâu dài, Khánh mong muốn nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chống biến đổi khí hậu, duy trì và phát triển các việc có ích cho môi trường học tập ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. “Việc làm và ý tưởng của Nam Khánh là một gợi mở, từ đó khuyến khích các học sinh trong trường cùng chung tay tham gia trồng thêm nhiều cây xanh. Chúng tôi hy vọng các trường khác trên địa bàn thành phố sẽ phát động thêm nhiều phong trào như thế này cho các em học sinh cùng tham gia”, cô giáo Bích Phương cho biết.
Thông qua chủ đề “Ứng phó biến đổi khí hậu”, Bích Phương hy vọng, bằng chính sự sáng tạo, hồn nhiên và tình yêu với thiên nhiên, môi trường, quê hương, đất nước, các em được trực tiếp góp tiếng nói, hành động thực tế qua việc tự học, trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học để trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và có thái độ đúng đắn trước những vấn đề cụ thể mà các em được trải nghiệm trong cuộc sống.