ThienNhien.Net – Sau ngày bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang (21.6.1893), trong giới khoa học Pháp đã nổi lên một luận thuyết, theo đó Nam Tây Nguyên chính là giao điểm của hai đường phân bố tự nhiên thực vật từ Bắc xuống Nam theo dãy Trường Sơn và từ Tây sang Đông xuất phát từ Ấn Độ đến Đông Dương. Vì thế nơi đây tập trung đông đúc nhiều loài cây thuộc những họ, bộ phong phú…
Mùa xuân năm 1899, lần đầu tiên một cuộc thám hiểm cao nguyên Lang Biang trên quy mô lớn đã được tiến hành. Kết quả thật bất ngờ, ở vùng Cổng Trời các nhà thám hiểm đã phát hiện 4 loài thực vật họ thông Pinaceae thuộc bộ thông Pinales: Đó là cây thông có tên khoa học Pinus kesiya Royle ex Gordon, tên Việt là cây ngo, thông ba lá.
Đặc điểm phân loại (*): cây cao 30m, đường kính thân 80cm. Lá hình kim xanh sẫm dài 20cm, có 3 lá trong một búp ngắn. Quả thông giống hình nón dài 5-9cm, đường kính 4-5cm. Quả thông đực có nhiều ở đầu cành tạo thành bó dài 1cm, đường kính 0,5cm. Đây là loài thông bản địa của Việt Nam, có diện tích phân bố tự nhiên lớn nhất trên Trái đất, tạo thành một dải suốt từ Bắc Ấn Độ, Nepal qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Tây Nguyên đến Philippines.
Các nhà địa thực vật coi đây là bằng chứng để có thể khẳng định hàng chục triệu năm về trước Philippines đã gắn liền với Việt Nam. Ngày nay, vẫn còn nhiều nhà nghiên cứu dùng tên khoa học cũ Pinus khasya để gọi loài thông này, trong đó Khasya là tên một ngôi làng ở Bắc Ấn Độ dưới chân dãy núi Himalaya. Đây cũng là loài thông bác sĩ Yersin đã gặp khi lần đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, như trong hồi ký của ông: “21.6.1893, chúng tôi bước ra khỏi cánh rừng thông, trước mắt tôi là một cao nguyên lớn, gò đồi nhấp nhô…”.
Cây thông thuộc chi Keteleeria, tên khoa học Keteleeria roulletii (A.Chev) Flous do các nhà khoa học Pháp đã phát hiện ở Sơn La, Hoà Bình, Thừa Thiên Huế, nay cũng thấy ở đây. Nó có tên Việt: thông Bắc, thông dầu, thông tô hạp, du sam. Cây cao 35m, đường kính thân 100cm. Lá xanh sẫm dài 20cm, có 3 lá trong một búp ngắn. Quả thông giống hình nón dài 5-9cm, đường kính 4-5cm. Quả thông đực dài 1cm, đường kính 0,5cm. Là loài thông bản địa của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở chân núi Lang Biang.
Đặc biệt, có hai loài thông chỉ thấy phân bố tự nhiên trên cao nguyên Lang Biang mà không thấy phân bố ở nơi nào khác trên thế giới và đã trở thành hai loài đặc hữu của Việt Nam: Cây thông có 5 lá trong một búp ngắn, nên gọi là thông 5 lá hoặc thông Đà Lạt và cũng được đặt tên khoa học để kỷ niệm nơi sản sinh ra nó: Pinus dalatensis Ferre, trong đó Ferre là Y.de Ferre, Giám đốc Viện Khảo cứu Lâm học Toulouse Pháp, bà đã mô tả và đặt tên cho thông Đà Lạt. Cây cao 35m, đường kính thân 100cm, cành gầy guộc, đỉnh xoè. Lá xanh mỏng manh dài 12cm. Quả thông giống hình nón dài 5-9cm, đường kính 4-5cm. Quả thông đực dài 1cm, đường kính 0,5cm. Phân bố chủ yếu ở huyện Lạc Dương và ngoại vi Đà Lạt.
Còn cây thông từ xa đã thấy tán hình quạt của nó nhô lên khỏi tán rừng nguyên sinh là thông hai lá dẹt, vì có hai lá dẹt hình lưỡi kiếm trong một búp ngắn. Nó còn có tên dân tộc Chil là sre-sri. Cây cao 35m, đường kính thân 100cm. Lá xanh sẫm dài 20cm, rộng 0,5-1cm. Quả thông giống hình nón dài 5-9cm, đường kính 4-5cm. Quả thông đực dài 1cm, đường kính 0,5cm. Loài thông này có vùng phân bố ở núi Bi Đúp, huyện Lạc Dương và ngoại vi Đà Lạt.
Nhà thực vật học danh tiếng người Pháp M.H.Lecomte, tác giả công trình Thực vật chí Đông Dương đã giám định và đặt tên cho thông hai lá dẹt là Ducampopinus krempfii A.Chev, trong đó krempfii là tên nhà phân loại thực vật người Đức đã phát hiện ra loài thông quý hiếm này, Ducampo là nhà thực vật học người Pháp, giám đốc Nha Thủy lâm Đông Dương, người có công tổ chức các cuộc thám hiểm phân loại rừng và xây dựng mạng lưới các trung tâm, trạm, trại nghiên cứu lâm sinh (sự sống của rừng) ở Đông Dương. Còn A.Chev là A.Chevaliea, nhà sinh học-phân loại thực vật xuất xắc người Pháp đã giải phẫu lá và đề nghị tách thông hai lá dẹt trong chi Pinus thành chi Ducampopinus (tên A.Chev còn gắn với nhiều loài cây rừng ở Đông Dương).
Đây là cây thông sống cùng thời với những sinh vật cổ sơ trước thời đại địa chất thứ hai (**), giống như khủng long những sinh vật này hiện chỉ còn ở dạng hoá thạch. Vì vậy khi phát hiện thông hai lá dẹt, các nhà khoa học đã sung sướng gọi nó là “hoá thạch sống” và nói rằng “xét về mặt sinh học, phát hiện này cũng giống như một nhà động vật học đang đi tìm kiếm và bỗng phát hiện thấy một con khủng long còn sống, một con T-Rex chẳng hạn”(***).
Cũng cần nhắc tới một loài thông mà trước cuộc thám hiểm Lang Biang đã rất quen thuộc với các nhà khoa học và đã đi vào cuộc sống của người Việt qua hàng ngàn năm, đó là cây thông ta (tên khoa học Pinus merkusii) còn gọi là thông hai lá, thông nhựa. Cây thông trong câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, đó chính là cây thông ta mà ông đã gặp ở quê nhà Hà Tĩnh và rất đỗi thân quen khi ông làm quan ở Huế. Về mặt địa lý, khắp các tỉnh thành trên đất nước ta đều có phân bố thông ta. Vùng Lang Hanh cao độ 1.000m (so với mực nước biển) là biên địa của loài thông này: nó có diện tích rộng lớn ở Nam Lâm Đồng. Cây cao 30m, đường kính thân 70cm. Lá hình kim xanh sẫm dài 15-20cm, có 2 lá trong một búp ngắn. Quả thông giống hình bầu dục dài 5-8cm, đường kính 4-6cm. Quả thông đực dài 1cm, đường kính 0,5cm. Đây là loài thông bản địa của Việt Nam, cho sản lượng nhựa cao nhất trong các loài thông.
Nhìn chung, về hình thái học, các loài thông Lâm Đồng đều có cùng những đặc điểm được quy định cho họ thông, nhưng về cấu tạo lá và hình thái quả lại có những khác biệt đủ để chia chúng thành 3 chi: Keteleeria – Ducampopinus – Pinus. Trong đó, xét về tiến hoá thì thông hai lá dẹt là loài thông cổ nhất. Còn về hình thái thì thông hai lá dẹt là trung gian giữa cây lá kim và cây lá rộng, giữa thực vật hạt trần và thực vật hạt kín.
Như vậy, nước ta có 6 loài thông phân bố tự nhiên thì ở Lâm Đồng đã có 5 loài. Vì thế, nơi này từ đầu thế kỷ trước đã được mệnh danh là “Chiếc nôi của cây thông”. Các nhà khoa học thế giới cũng công nhận điều ấy bởi chưa có địa phương nào ở các quốc gia khác lại có nhiều về số lượng loài thông bản địa và đặc hữu như ở cao nguyên Lang Biang. Trong hơn một thế kỷ qua, cả 5 loài thông trong họ Pinaceae ở Lâm Đồng đều phát huy giá trị cao về các mặt: khoa học, cung cấp, phòng hộ, môi trường và cảnh quan. Ở vùng Cổng Trời vẫn còn tồn tại cả 3 loài thuộc 3 chi thông: Keteleeria roulletii, Ducampopinus krempfii, Pinus kesya mọc hỗn giao. Nơi đây trong tương lai không xa sẽ là một công viên sinh thái, sẽ luôn đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi thú vị, trước hết là mối quan hệ nguồn gốc đặc trưng giữa các loài của 3 chi thông này.
Đến nay, còn ít người biết rằng cách đây 60-70 năm, Nam Tây Nguyên đã trồng rừng 23 loài thông của nước ngoài, nhiều loài sinh trưởng và phát triển tốt, tái sinh tự nhiên như ở nơi nguyên sản: Pinus caribeae có nguồn gốc từ vùng biển Caribe châu Mỹ nên gọi là thông Caribe hoặc thông Cuba. Pinus patula quê hương vùng núi Mexico, lá mềm mại luôn rủ xuống nên còn gọi là thông lá rủ. Pinus tropicalis có xuất xứ Trung Mỹ có tên Việt là thông nhiệt đới. Pinus oocarpa, quê hương ở Guatemala. Và một số loài thông có nguồn gốc Mỹ: Pinus elliottii, Pinus tenuifolia, Pinus teada… Cả loài thông mã vĩ hay thông đuôi ngựa, tên khoa học Pinus massoniana, phân bố tự nhiên ở Đông Bắc nước ta và là loài thông bản địa thứ 6 của Việt Nam. Những loài thông ấy được trồng khảo nghiệm để tăng cường và phát huy hơn nữa các tác dụng: cung cấp, phòng hộ, môi trường và cảnh quan của rừng Nam Tây Nguyên; đồng thời các nhà khoa học cũng muốn chứng minh rằng chiếc nôi của các loài thông bản địa và đặc hữu Lâm Đồng còn là đất lành của nhiều loài thông nhập nội trên thế giới.
(*) Các chỉ số chiều cao, dài, rộng, đường kính… đều lấy trung bình
(**) Tương đương kỷ Jura cách đây khoảng 200 triệu năm
(***) T-Rex tức khủng long bạo chúa, loài có cú đớp khủng khiếp nhất trong tất cả động vật trên cạn