ThienNhien.Net – TP Hồ Chí Minh đang đầu tư cho sản xuất thực phẩm “sạch” nhằm ngăn chặn và đẩy lùi thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm “sạch” luôn là nỗi lo lớn và đã xuất hiện tình trạng nông dân ngừng sản xuất theo tiêu chuẩn… Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn nữa để “tiếp sức” cho nông sản “sạch” có chỗ đứng ổn định trên thị trường.
Vì sao khó tiêu thụ?
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, hết năm 2016, trên địa bàn thành phố đã có 885 tổ chức, cá nhân sản xuất rau được chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích 571ha với sản lượng dự kiến gần 66 nghìn tấn/năm. Thành phố cũng đã chứng nhận VietGAP cho 784 hộ chăn nuôi lợn với hơn 68 nghìn con, chiếm khoảng 19% so tổng đàn của thành phố. Về chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay đã cấp 98 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 47 cơ sở thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và 11 tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn khó tiêu thụ. Theo ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, phần lớn nông sản, thực phẩm (hơn 42%) được tiểu thương mua trực tiếp tại nơi sản xuất, sau đó cung cấp ra thị trường qua các chợ đầu mối. Nông sản “sạch”, với đòi hỏi quy trình sản xuất ngặt nghèo đương nhiên giá thành cao hơn nhưng hiện khó tiêu thụ. Do đó, nông dân không mặn mà với VietGAP sau một thời gian sản xuất. Trong năm 2016, đã có 11 cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh bị rút chứng nhận VietGAP.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhận định, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi sản xuất nông nghiệp an toàn. Nguyên do là sản xuất nông nghiệp đang chủ yếu chạy theo sản lượng, năng suất dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị nông sản… Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng, một nguyên nhân nữa dẫn tới việc thực phẩm an toàn khó tiêu thụ được do niềm tin của người tiêu dùng đã bị giảm sút. Trên thị trường khó có thể phân biệt giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm thông thường. Ngoài ra, giá thành của thực phẩm an toàn hiện còn quá đắt so với mức sống của số đông người tiêu dùng. Ông Vũ Thế Thành cũng cho rằng, trên thị trường thực phẩm hiện nay có tình trạng thiếu thông tin về sản phẩm trên nhãn hiệu và có biểu hiện “loạn” các chứng nhận an toàn. Những điều này khiến cho người tiêu dùng đang nhìn thực phẩm an toàn với con mắt nghi ngờ…
Cần hỗ trợ nhiều hơn
Theo ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, thành phố đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất thực phẩm an toàn. Trong năm 2017, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, trong đó thiết kế lô gô, bao bì, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng cũng được triển khai với sự tham gia của các đơn vị cung – cầu trong chuỗi. Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ cho người sản xuất thực phẩm sạch tham gia chương trình “Mỗi nhà nông một website”, đến nay chương trình đã hỗ trợ 27 đơn vị sản xuất thực phẩm an toàn xây dựng website riêng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, những đơn vị có liên quan đến sản xuất thực phẩm sạch cần tận dụng được công nghệ thông tin để kết nối với người tiêu dùng. Đó là cách nhanh nhất và thông minh nhất để tiêu thụ hàng hóa trong thời đại hiện nay. Bộ NN&PTNT đang khởi động dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về thực phẩm an toàn để người tiêu dùng dễ cập nhật. Ông Nguyễn Như Tiệp hy vọng trong 5 năm để có thể giải quyết căn cơ về vấn đề an toàn thực phẩm.
Nhận định về kết nối cung – cầu thực phẩm an toàn trong những năm gần đây, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới của Bộ là sẽ tập trung vào 4 vấn đề, trong đó có nhiệm vụ kết nối được sản phẩm an toàn có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước đến với người tiêu dùng, tăng cường công tác thông tin truyền thông về sản phẩm, không để người nông dân làm thực phẩm sạch phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.