ThienNhien.Net – Báo PLVN đã có bài “Hàng chục hecta rừng bị “triệt hạ” trái phép” phản ánh gần 40 hecta rừng tại tiểu khu 229 thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chặt phá một thời gian dài, nhưng chưa có kết quả xử lý.
Phản hồi về bài viết, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Cảm ơn báo PLVN đã quan tâm, phản ánh về vụ việc. Sau khi báo PLVN có bài viết: “Hàng chục hecta rừng bị “triệt hạ” trái phép” phía Chi cục cũng đã có phản hồi báo cáo sự việc lên cấp trên.
“Bài toán” hóc búa
Được biết, gần 40 hecta rừng nói trên trước kia thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm được giao theo Nghị định 135 “Về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất…”. Sau đó, chuyển quyền quản lý về cho UBND xã Phú Gia theo Quyết định 3789–UBND, 5/12/2014 để thực hiện đề án giao đất giao rừng số 3952 của UBND tỉnh Hà Tĩnh với mục đích là “để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững”. Nhưng thực tế, rừng lại bị một số hộ dân chặt phá.
Ông Nguyễn Cự Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết: “Rừng bị các hộ dân sẻ phát, đốt phá tại tiểu khu 229 được xác định là rừng nghèo có cây gỗ tái sinh, dây leo bụi rậm. Về nguyên tắc, các gia đình được giao rừng theo Nghị định 135 chỉ được phép quản lý, chăm sóc, bảo vệ, trồng dặm rừng chứ không được tự ý khai thác hoặc thay đổi mục đích sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Việc các hộ dân chặt, đốt rừng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật”.
Ông Duẩn cho biết thêm: “Người dân Hương Khê chủ yếu sống bằng nghề sản xuất kinh doanh về rừng nên các việc như: xâm lấn, chiếm dụng… trái phép trong những năm gần đây đang là “bài toán” hóc búa. Do ở đây lẫn lộn giữa rừng trồng và tự nhiên nên người dân lợi dụng vào đó phá rừng nên khó kiểm soát trong vấn đề này. Ví dụ như khi vào phát hiện người thì họ nói đang phát dây leo bụi rậm nhưng khi lực lượng kiểm lâm đi thì họ lại châm một mồi lửa gây cháy chẳng hạn. Rồi phía kiểm lâm cũng chỉ nắm được vùng rừng chứ về hồ sơ về việc giao khoán, như việc thuộc hộ nào, diện tích bao nhiêu thì không nắm được…”.
Ông Hoàng Xuân Tài, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm cho biết: “Trước năm 2014 thì tiểu khu 229 thuộc quyền quản lý của ban. Sau đó, thì giao về cho chính quyền địa phương để thực hiện chính sách giao đất giao rừng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở tuyên truyền vận động người dân về việc bảo vệ rừng. Thế nhưng trong quá trình triển khai thì về cho địa phương có hiện tượng một số hộ dân sau khi được giao đã tiến hành “tác động” (chặt, đốt) trên thực địa…”.
Chủ rừng “không phải muốn chặt là chặt”
Về phía Chi cục Kiểm lâm, ông Huấn cho biết cơ quan công an đã triệu tập 46 đối tượng liên quan đến vụ việc để điều tra, xử lý. Về quy định trách nhiệm đối với chủ rừng, ông Huấn khẳng định: “Rừng trồng của chủ rừng bỏ vốn thì họ được quyền khai thác nhưng đối với cây rừng tự nhiên là phải bảo vệ. Rừng sản xuất thì có quy chế được làm gì và không được làm gì đã được quy định rõ. Anh (chủ rừng) phải tuân theo chứ không phải cứ muốn chặt là chặt được. Khi muốn chặt phải được sự cho phép của cơ quan cơ quan có thẩm quyền. Nếu họ cho rằng được giao rừng thì có quyền chặt là sai vi phạm quy định và cũng đã nhận thức sai…”.
Ông Huấn chia sẻ thêm: “Hiện nay nhu cầu của người dân về rừng là rất lớn bởi lượng thanh niên thất nghiệp ngày càng nhiều. Nhu cầu nguyên liệu keo đầu vào của các nhà chế biến gỗ ép cũng rất lớn nên việc người dân vào chiếm đất rừng để trồng là khó tránh khỏi. Cũng từ đó dẫn đến hiện tượng rừng tự nhiên bị chặt phá và sẽ rất khó kiểm soát nếu không có những biện pháp đồng bộ từ các ngành chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp…”.
Về phía kiểm lâm, ông Huấn cho biết đã vào cuộc rất quyết liệt tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Ông dẫn chứng: toàn tỉnh có hơn 300 ngàn hecta rừng cần phải bảo vệ, lực lượng bảo vệ vốn mỏng, tới đây còn phải tinh giảm biên chế nên càng khó khăn.
Cũng theo ông Huấn, đối với cấp xã là cấp “sâu sát” nhất trong việc bảo vệ rừng lại không có cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp, tiền phục vụ cho cấp xã cũng không có nên công tác bảo vệ rừng ở địa phương rất yếu.
Mặt khác, ông thừa nhận: ”Có những địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. Trong khi năng lực, trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng còn hạn chế nên chưa hoàn thành nghĩa vụ trên phần đất rừng được giao…”.