ThienNhien.Net – Đã có hàng chục mét khối gỗ kết thành bè thả trôi dọc sông Đắc Bla (TP.Kon Tum, Kon Tum). Đích đến là một mỏ cát, sau đó phân tán “xé lẻ”, trung chuyển bằng các xe tải lớn. Gỗ lậu tập kết tại TP.Kon Tum, tuy vậy tỉnh Kon Tum cho rằng: “Đang điều tra để xác định gỗ của Gia Lai hay của Kon Tum”.
Gỗ lậu… trôi sông
Mới đây, người dân xã Đắc Rơ Wa (TP.Kon Tum) phát hiện hàng chục bè gỗ trôi trên sông. Chúng được kết tạo bằng ruột xe tải cột vào nhau. Quan sát, những chiếc bè chở từ 2-3 khúc gỗ dài từ 3-5m. Mỗi “lâm tặc” thường điều khiển 2-3 chiếc bè như thế. Nước chảy xiết, lâm tặc mặc nhiên thoải mái lái bè theo quỹ đạo con nước. Điều khó hiểu, thay vì tập kết tại mé sông, gỗ lậu lại đưa vào một mỏ cát dọc sông Đắc Bla. Nhiều xe tải không chở cát, lạ thay chất gỗ lên xe chở đi.
Biết xâm nhập sâu sẽ nguy hiểm, PV thông báo cho Hạt Kiểm lâm TP.Kon Tum cử lực lượng hỗ trợ. Những chiếc “xe cát” chở gỗ đã biến mất, hiện trường chỉ còn chưa đến chục lóng gỗ. Tuy vậy, dưới sông thấp thoáng 3-5 “lâm tặc”, dìm các lóng gỗ xuống sông tìm cách tẩu tán. Phát hiện cơ quan chức năng, lâm tặc bỏ chạy tán loạn. 25 lóng, hộp gỗ đã bị Hạt KL TP.Kon Tum trục vớt, đưa về trụ sở.
Hạt trưởng Hạt KL TP.Kon Tum – ông Vũ Hồng Sinh – cho biết: “Các hộp gỗ có đường kính từ 30-50cm, chưa xác định được chủ. Chúng tôi vẫn đang cử người tiếp tục canh giữ dọc mé sông. Gỗ chưa chắc là của Kon Tum, mà có thể là từ huyện Chư Pah (Gia Lai) vận chuyển sang”.
PV đặt câu hỏi: “Gỗ tập kết sát TP.Kon Tum, nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết? Chỉ khi nhận được tin báo của PV mới đi kiểm tra? Ông Sinh nói ngay: “Chưa thể khẳng định có chuyện tiếp tay trong vụ việc này”.
Gỗ Kon Tum hay của Gia Lai?
Chủ tịch UBND TP.Kon Tum Phan Văn Thế cho hay, trên địa bàn không có rừng. “Số gỗ này có thể khai thác ở đâu rồi trôi nổi trên sông đưa về”. Ông Thế cũng cho biết, đã yêu cầu kiểm lâm tịch thu toàn bộ số gỗ, báo cáo khẩn vụ việc cho UBND TP.Kon Tum.
“Chúng tôi sẽ không bao che đối tượng nào cả, nếu phát hiện có tiếp tay sẽ xử lý nghiêm” – ông Thế nhấn mạnh. Trước ngày 25.1, là thời hiệu mà UBND TP.Kon Tum yêu cầu Hạt trưởng Hạt KL TP.Kon Tum giải trình vì để xảy ra sự việc mà không “phát hiện, xử lý”. Văn bản của TP.Kon Tum đề nghị Phòng Nội vụ kiểm điểm, xử lý. Nguồn tin của Lao Động cho biết, TP.Kon Tum cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Kon Tum tình hình vụ việc.
Về nhận định của Kon Tum chưa thể khẳng định gỗ Kon Tum hay của Gia Lai? Hạt phó Hạt KL huyện Chư Pah (Gia Lai) Nguyễn Ngọc Ni nói: “Giáp ranh với TP.Kon Tum (Kon Tum), ngoài huyện Chư Pah còn có huyện Kon Rẫy (Kon Tum) và huyện Đắc Đoa (Gia Lai). Vì thế chưa thể khẳng định gỗ từ đâu khai thác”.
Chủ tịch UBND huyện Chư Pah Đặng Công Lâm cũng bất ngờ: “Tôi chưa nghe Hạt KL huyện báo cáo, huyện sẽ cho lực lượng kiểm tra lại ranh giới”. Một cán bộ tỉnh Kon Tum thẳng thắn: “Nguồn gốc thì tỉnh này hay đổ cho tỉnh kia. Cho nên, phải chờ khi bắt được đối tượng, “chờ” lâm tặc khai ra mới biết được”.
Điều tra của Lao Động, rừng giáp ranh giữa các huyện Chư Pah, Đắc Đoa (Gia Lai) và huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã bị lâm tặc “xé nát”. Gỗ chặt hạ xong, thả xuống sông Pờ Ê, cho trôi về TP.Kon Tum (Kon Tum). Tỉnh Gia Lai ta thán: Rừng giáp ranh huyện Đắc Đoa và Chư Pah (Gia Lai) và Kon Rẫy (Kon Tum) địa hình dốc đứng, do đó việc tịch thu phương tiện, tang vật phải đi vòng qua địa phận các huyện này thì khó xử lý. Tỉnh nào cũng sợ trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau. Câu hỏi đặt ra, vậy ai quản lý rừng Tây Nguyên? Nên chăng cần một tiếng nói mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, khi trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh đóng cửa rừng. |