ThienNhien.Net – Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức từ ngày 17 đến 20-1 tại khu trượt tuyết Davos, Thụy Sĩ được coi là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn góp phần đề ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các nước lớn như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, học giả hàng đầu nhằm mở rộng thảo luận những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu, từ quản lý đến kinh tế và chính trị, xã hội. Trong đó, nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới; phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư… sẽ là những chủ đề nổi bật tại 300 phiên thảo luận của Diễn đàn. WEF cũng sẽ tập trung vào những vấn đề thời sự nóng trên toàn cầu như khủng hoảng di cư, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU)…
Thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách. Kinh tế thế giới đã phục hồi sau thời gian dài suy thoái nhưng tăng trưởng còn chậm và mong manh. Bất ổn an ninh và nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu và đe dọa mọi quốc gia. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, vốn là chủ đề chính của Diễn đàn Davos năm ngoái, dù tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới, song cũng tiềm ẩn các mối đe dọa lớn, trong đó có mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong 5 năm tới.
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên đoàn đại biểu Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu tham dự Diễn đàn WEF. Nhiều ý kiến nhận định rằng, sự có mặt của người đứng đầu Trung Quốc được xem là những dấu hiệu cho thấy “trọng lượng” ngày càng tăng của Bắc Kinh trên trường quốc tế tại thời điểm Tổng thống Mỹ đắc cử D.Trump cam kết sẽ dành “quyền ưu tiên trước hết cho người dân Mỹ”, còn Châu Âu đang bận tâm với những rắc rối của khu vực.
Trước thềm Diễn đàn khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trình bày chủ trương của Trung Quốc về các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, tích cực dẫn dắt tiến trình toàn cầu hóa kinh tế theo hướng bao dung và ưu đãi phổ cập hơn. Có thể thấy, vào lúc giới doanh nghiệp cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh bảo hộ mậu dịch ở Mỹ và cơn “địa chấn” Brexit, những tuyên bố của nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc đang trấn an niềm tin vào chính sách tự do thương mại.
Nhận lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự WEF lần thứ 47. Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Davos đã thể hiện mối quan hệ ngày càng gần gũi và phát triển tích cực giữa Việt Nam và WEF, đồng thời cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và đóng góp cho sự thành công của các diễn đàn quốc tế. Kể từ khi tham gia WEF, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên tại Davos cũng như các diễn đàn WEF khu vực, nhất là Hội nghị WEF Đông Á. Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler đã 3 lần thăm Việt Nam vào các năm 2014, 2015 và 2016. Mới đây nhất, tháng 10-2016, Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức Hội nghị WEF-Mekong tại Hà Nội. Những năm gần đây, Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động của WEF về Đông Á và các hội nghị khu vực khác của WEF.
Ngày càng hoạt động hiệu quả và tiếp tục chứng tỏ sức hấp dẫn không ngừng trong bối cảnh thế giới hiện nay, WEF lần thứ 47 được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo trên thế giới phối hợp tìm ra các hình thức quản lý quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu linh hoạt hơn, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi và ứng phó được với những thách thức đang đặt ra.