ThienNhien.Net – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, hệ lụy của thủy điện An Khê – Ka Nak là rất lớn.
Mặc dù đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra và chỉ đạo khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Ba, tỉnh Gia Lai, nhưng hiện nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Mới đầu mùa khô, và chuẩn bị đón Tết nguyên đán, người dân ở đây lại phải hứng chịu nhiều phiền toái.
Mặc dù vừa kết thúc đợt lũ lịch sử, mới bước vào mùa khô nhưng hiện nay sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã trơ đáy, hiện rõ những tảng đá lớn giữa lòng sông. Hơn thế, tình trạng ô nhiễm trên dòng sông này tiếp tục tái diễn trong mấy ngày gần đây, khi nhà máy đường An Khê đi vào hoạt động. Đã gần Nguyên đán, người dân ở khu vực trung tâm thị xã An Khê lại phải chịu đựng mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên.
Ông Nguyễn Duy Bính ở phường An Bình, thị xã An Khê nói: “Đêm ngủ là mùi bốc lên hôi thối lắm, dọn cơm lên ăn vẫn thấy mùi hôi lắm nhưng giờ vẫn chấp nhận, đành chịu chứ biết làm sao. Các ban ngành đoàn thể ở địa phương cũng có kiến nghị vậy nhưng rồi đâu cũng vào đó hết, vẫn mùi hôi thối nó bốc lên miết thôi chứ đâu có giảm được”.
Trong khi sông Ba đoạn qua thị xã An Khê cạn trơ đáy, ô nhiễm nghiêm trọng thì ở phía thượng nguồn, hồ thủy điện An Khê- Ka Nak đang đầy ắp nước. Thủy điện này vẫn tiếp tục chuyển nước từ sông Ba sang sông Kôn, tỉnh Bình Định, để phát điện như trước đây.
Theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, hệ lụy của thủy điện An Khê – Ka Nak là rất lớn. Kể từ khi thủy điện này đi vào hoạt động, vào mùa khô hàng năm, nó gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Ba, bao gồm 7 huyện với 450.000 người dân sinh sống và khoảng 7.000ha đất sản xuất: “Từ khi Thủy điện An Khê – Ka nak vận hành năm 2011 tới nay tình hình môi trường và đời sống người dân có nhiều khó khăn. Có một số bất cập mà chúng tôi nghĩ rằng phải tính toán. Tỉnh hết sức cố gắng cùng nhà máy nhưng phải xem lại quy trình để nâng mức xả cho phù hợp. Có thể giảm công suất nguồn điện để đời sống người dân tốt hơn. Nghĩa là công trình làm ra thì đời sống người dân phải tốt hơn chứ không phải công trình làm ra người dân sống khổ hơn. Cái này là chúng ta cần phải tính”.
Giữa năm vừa rồi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp đến kiểm tra thủy điện An Khê- Ka Nak và thị sát sông Ba. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Gia Lai chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Ba; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của các nhà máy trong khu vực, điều tiết nước hợp lý để vùng hạ lưu không bị khô kiệt, ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhấn mạnh: “Mục tiêu chúng ta làm thủy điện là để đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, mọi người dân đều được hưởng, đất nước phát triển nhưng nó không thể làm thiệt hại đến một bộ phận người dân. Nếu thiệt hại chúng ta phải có trách nhiệm, phải xem xét thật nghiêm túc, kỹ lưỡng lại. Còn Bộ TN-MT vừa là Bộ quản lý về khai thác tài nguyên nước nhưng mặt khác phải đảm bảo môi trường. Vì trên dòng sông này có cả những nhà máy đường thải ra. Đấy, cho nên Bộ TN-MT phải rà soát lại những công trình xả thải ra dòng sông này. Mặt khác, cũng phải đảm tỷ lệ nước nhất định để bảo tự pha loãng, tự làm sạch trong quá trình hoạt động của nhà máy thủy điện”.
Mặc dù Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt từ giữa năm ngoái, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Mùa khô đã bắt đầu, sông Ba lại cạn kiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiếp tục tái diễn. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân ở lưu vực sông Ba vẫn tiếp tục hứng chịu nhiều hệ luỵ.