Sự cố môi trường được quy định tại Luật BVMT 2014 (Điều 3, khoản 10) là “sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”. Mục 3, Chương X của Luật này đã đưa ra 5 điều về Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường. Theo đó chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về BVMT khi xảy ra sự cố. Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại do sự cố môi trường. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai, và là căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, sự cố phải bồi thường.
Theo đánh giá từ phía Tổng cục Môi trường (2015)[1], mặc dù đã có nhiều quy định và hướng dẫn nhưng công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường ở nước ta vẫn chưa đạt hiệu quả cao và còn nhiều điểm bất cập. Công tác phòng ngừa chưa được các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, công tác ứng phó sự cố môi trường còn chưa hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, năng lực và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Chính vì vậy, việc rà soát, nhìn nhận lại thực tế ứng phó sự cố môi trường xảy ra gần đây ở nước ta nhằm đưa ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất xây dựng quy trình ứng phó sự cố cho Việt Nam là một nhiệm vụ cấp thiết.
Nhìn lại vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung
Hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở miền Trung bắt đầu xảy ra từ ngày 06/4/2016, xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 04/5. Nguyên nhân cá chết hàng loạt sau 3 tháng đã được xác định là do nguồn thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa.
Vụ việc cá chết hàng loạt tại vùng biển Bắc Trung bộ trong tháng 4/2016 được coi là sự cố môi trường tồi tệ nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này, thậm chí có thể coi đây là thảm họa môi trường nếu xét về mức độ, phạm vi và quy mô thiệt hại. Mặc dù chính phủ đã huy động và chỉ đạo rất nhiều cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học tham gia, quá trình giải quyết sự cố này đã thể hiện sự lúng túng cả ở trung ương và địa phương ngay từ khâu phòng ngừa tới ứng phó sự cố.
Trước tiên cần nhìn nhận rằng trước khi xảy ra sự cố chính quyền địa phương đã buông lỏng giám sát hoạt động của Formosa nên không phát hiện được các vi phạm không tuân thủ quy định trong quá trình xây dựng và vận hành của nhà máy. Cụ thể, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã thừa nhận có sự cố mất điện xảy ra trong quá trình vận hành thử, dẫn đến nước thải từ công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên Formosa đã không thực hiện đúng quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố tại hệ thống xử lý nước thải, trong khi theo quy định, khi xảy ra sự cố khiến nước thải không được xử lý đạt tiêu chuẩn thì phải đưa nước thải vào lưu giữ tạm thời tại bể dự phòng. Trên thực tế, Formosa đã không có bể dự phòng trong khuôn viên khu liên hợp gang thép, vì vậy khi xảy ra sự cố toàn bộ nước thải chưa xử lý đã xả thẳng xuống biển. Nghiêm trọng hơn, các cơ quan chức năng đã không thực hiện đúng quy định về công tác giám sát môi trường và giám sát tuân thủ đối với các dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến việc Formosa đã che giấu thông tin, không thông báo và hợp tác với các cơ quan chức năng để phối hợp ngăn chặn thảm họa lan rộng.
Thứ hai, công tác ứng phó, giảm thiểu tác động còn quá chậm trễ. Sự cố chỉ được phát hiện khi cá chết hàng loạt, được các phương tiện truyền thông đại chúng loan tin. Vì vậy, công tác ứng phó (ngăn ngừa, giảm thiểu tác động) và khắc phục (can thiệp làm sạch và hồi phục môi trường) đã không được thực hiện kịp thời. Thực tế, do đặc điểm địa hình và khí tượng thủy văn của khu vực, các thành phần môi trường có dấu hiệu được làm sạch và hồi phục tự nhiên mà không cần thực hiện bất cứ sự can thiệp kỹ thuật nào. Tuy nhiên có lẽ còn quá sớm để kết luận liệu có khả năng xảy ra tích tụ sinh học trong vùng biển chịu tác động của sự cố hay không, do chưa có đánh giá đầy đủ và dự báo về các tác động tích lũy của các chất ô nhiễm tiềm tàng.
Thứ ba, dữ liệu về hiện trạng môi trường tại các vùng, địa phương vừa mỏng và không đầy đủ, vừa không thống nhất, thiếu tin cậy, kể cả tại các khu vực có nhiều hoạt động kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy không có đủ “số liệu nền” làm cơ sở để đánh giá chính xác và thuyết phục về mức độ tác động của sự cố. Mức độ ô nhiễm và an toàn về môi trường và thủy sản khu vực xảy ra sự cố không được thông báo đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Cuối cùng, kết quả điều tra về nguyên nhân và phạm vi ô nhiễm, cũng như mức độ thiệt hại về môi trường và hệ sinh thái không được công khai. Không có cơ quan có thẩm quyền (Tòa án) chịu trách nhiệm trọng tài, cũng không có cơ chế tổ chức tranh luận, phản biện và đàm phán thỏa thuận trong giải quyết xung đột môi trường và đền bù.
Bài học từ việc giải quyết khiếu kiện đền bù từ vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico năm 2010
Ngày 20/4/2010, giàn khoan Deepwater Horizon của Công ty dầu khí Anh British Petroleum (BP) phát nổ. Giếng Madonco phun trào xả dầu vào Vịnh Mexico suốt 87 ngày cho đến khi các nỗ lực trám xi măng đóng giếng thành công. Sự cố được thông báo và công tác đánh giá thiệt hại đã được thực hiện đồng thời với việc ngăn ngừa và khắc phục hậu quả. Ước tính có khoảng 4,9 triệu thùng dầu đã phun trào, gây ô nhiễm vùng biển và xung quanh bờ biển vùng vịnh Mexico. Các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bao gồm 126 nhân viên làm việc trên giàn khoan (trong đó 11 người chết, 17 người bị thương), ngành công nghiệp đánh bắt cá, ngành du lịch và cộng đồng tại 5 tiểu bang Alabama, Louisiana, Mississippi, Texas và Florida. Cuộc điều tra dân sự và hình sự về sự cố tràn dầu Deepwater Horizon đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khởi xướng từ tháng 6/2010. Chính phủ liên bang và chính quyền các tiểu bang cũng như BP đều tổ chức các cuộc khảo sát độc lập với sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều trường đại học danh tiếng, nhằm đánh giá mức độ tác động và thiệt hại đến môi trường, kinh tế và xã hội làm cơ sở giải quyết khiếu kiện. Hàng ngàn đơn kiện đã được nộp cho Tòa án cấp Liên bang và cấp Tiểu bang, tập trung vào các yếu tố hình sự (chấn thương và bệnh tật) và dân sự (ô nhiễm môi trường và thiệt hại kinh tế). Các cá nhân có thể được bồi thường cho chấn thương y tế gây ra bởi vụ tràn dầu hoặc tham gia ứng phó khắc phục hậu quả theo quy định của Luật Hàng hải. Việc đánh giá thiệt hại về tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định của Luật Ô nhiễm dầu (The Oil Pollution Act) 1990 và Luật Nước sạch (The Clean Water Act) 1977. Để xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại kinh tế và tài sản, Trung tâm xử lý khiếu kiện mang tên Deepwater Horizon đã được thành lập vào tháng 6/ 2012 dưới sự giám sát của Tòa án. Các thỏa thuận chung về giải quyết khiếu kiện giữa BP và các bên liên quan đã được các Tòa án chấp nhận: vào 1/2013 với chính phủ liên bang và vào tháng 7/2015 với chính quyền 5 tiểu bang. Tuy nhiên kết quả giải quyết các khiếu kiện tồn đọng vẫn còn tiếp diễn cho đến năm 2016. |
Một số đề xuất
Sự cố môi trường, bao gồm các thảm họa thiên nhiên (bão, lũ lụt), cháy rừng, các vụ nổ nhà máy công nghiệp, tràn dầu và hóa chất, khủng bố… thường là tình huống bất ngờ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi xã hội. Dù quy mô, vị trí, nguyên nhân và mức độ tác động khác nhau, tất cả các sự cố này đều có tác hại to lớn đến các thành phần môi trường. Ứng phó khẩn cấp là việc tổ chức, phối hợp và chỉ đạo các nguồn lực sẵn có để đối phó, kiểm soát được tình trạng sự cố. Mục tiêu của ứng phó sự cố môi trường là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của sự cố đến cộng đồng và môi trường trong hiện tại và tương lai. Thực tế sự cố môi trường ở quy mô lớn (quy mô thảm họa) thường vượt quá dự đoán, do vậy công tác ứng phó luôn bộc lộ bất cập khi triển khai, tuy nhiên rõ ràng chuẩn bị càng tốt và có kế hoạch càng cụ thể để sẵn sàng đối phó với sự cố thì càng có khả năng giảm thiểu được thiệt hại và hiệu quả ứng phó càng cao.
Trước tiên, cần có chế tài phòng ngừa sự cố ngay từ giai đoạn xây dựng dự án đầu tư và cưỡng chế thi hành các quy định pháp luật về phòng ngừa sự cố môi trường trong suốt quá trình hoạt động của dự án. Các hệ thống quan trắc tự động phải được lắp đặt đúng vị trí, được kiểm tra định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả và truyền liên tục dữ liệu về cơ quan quản lý. Cần tuân thủ đúng các quy định của Luật BVMT về công khai kết quả giám sát môi trường định kỳ cũng như kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường.
Thứ hai, cần tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan trong thẩm định và giám sát các dự án đầu tư tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt các quy định về BVMT. Cần có lộ trình thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, giám sát chất lượng môi trường xung quanh, có khả năng phát hiện và báo động kịp thời khi xảy ra sự cố. Xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường cấp quốc gia và cấp vùng, bao gồm nhạy cảm về hệ sinh thái và nhạy cảm về địa hình, để phân loại mức độ ưu tiên bảo vệ và đề xuất các chiến lược, kế hoạch ứng phó phù hợp. Đầu tư các trung tâm ứng phó sự cố quốc gia tại các vùng trọng điểm cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên.
Thứ ba, Luật BVMT 2014 đã có quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường, tuy nhiên do tính cấp thiết và sự phức tạp của công tác này, cần thiết phải ban hành thêm các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể các điều khoản về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường, bao gồm cả các quy trình và thủ tục cảnh báo, đánh giá xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện quy trình ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Cần ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý đối với một số loại hình sự cố môi trường đặc thù, trong đó có các quy định cụ thể về việc thu thập chứng cứ sau sự cố làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ thiệt hại môi trường, thiệt hại kinh tế và các thiệt hại, chi phí khác có liên quan.
Cuối cùng, cần hoàn thiện các quy định của Luật Dân sự và Luật Hình sự liên quan đến tội danh gây ra sự cố hủy hoại môi trường. Cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để giải quyết các vụ kiện về môi trường, trong đó có cơ chế huy động tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các nhà khoa học và các đoàn thể xã hội – nghề nghiệp. Việc bồi thường thiệt hại phải được tính toán đầy đủ qua con đường tố tụng tư pháp, nơi mọi tổn thất về vật chất, tinh thần, hay sức khỏe đều được yêu cầu xem xét bù đắp thỏa đáng. Tòa án sẽ ra quyết định chấp nhận thỏa thuận của các bên liên quan hoặc ra bản án buộc các bên phải tuân thủ, dựa trên những chứng cứ được tranh luận công khai trước tòa. Nghiên cứu thành lập Tòa án môi trường để nâng cao hiệu quả xét xử các hành vi ô nhiễm môi trường, giải quyết các vụ khiếu kiện về ô nhiễm môi trường, đặc biệt khiếu kiện liên quan đến sự cố môi trường, là nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ quyền lợi của toàn xã hội, cộng đồng và người dân.
Lê Hoàng Lan – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
- Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (2015). Đề án xả nước thải vào nguồn nước Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh Giai đoạn 1-1
- Environmental Law Institute (2014). BP Oil Disaster: Restoration & Recovery. Claims & Litigation Overview
- Katelyn Brennan (2013). A Stakeholder Analysis of the BP Oil Spill and the Compensation Mechanisms Used to Minimize Damage. An Honors Thesis (University of South Florida)
- National Institute for Occupational Safety and Health (2011). Lessons learned from the Deepwater Horizon Response
- 5. The Guardian, BP faces further $2.5bn charge over Deepwater Horizon spill. Nguồn: http://bit.ly/btcs00454 )