ThienNhien.Net – Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ sau khi hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016- 2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào tháng 6/2016, tình trạng vi phạm lâm luật ở Tây Nguyên đã giảm.
Cụ thể, năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 5.110 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 480 vụ (giảm 4,8%) so với năm 2015; trong đó, phá rừng trái phép 33%, khai thác lâm sản trái phép giảm 41 vụ (6%), mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật giảm 320 vụ (11%).
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá, quản lý bảo vệ rừng của các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã chuyển biến tích cực. Tài nguyên rừng đã được quản lý, bảo vệ, bảo tồn; tình trạng phá rừng trên quy mô lớn được kiểm soát, kiềm chế và giảm thiệt hại. Các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện quản lý bảo vệ rừng; ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng được nâng cao, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình hình phá rừng và chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, một số nơi, tình hình phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp; vẫn xuất hiện các “điểm nóng” về khai thác rừng, săn bắt động vật rừng. Nạn phá rừng tập trung chủ yếu ở các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên, nhiều gỗ có giá trị thương mại cao, thuận lợi về giao thông, vùng rừng giáp ranh… Các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa triệt phá được các đường dây, đầu nậu mua bán, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Chính quyền địa phương ở những nơi trọng điểm phá rừng, nhất là cấp cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng theo đúng quy định…
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh trong khu vực triển khai quyết liệt, toàn diện 8 giải pháp theo Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; ngăn chặn tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ. Trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp được phân cấp rõ; tăng cường sự phối hợp các lực lượng trong việc bảo vệ rừng.
Theo đó, chủ rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng được nhà nước giao, cho thuê theo quy định hiện hành của pháp luật, chịu trách nhiệm nếu để mất rừng. Đối với UBND các cấp, địa phương để xảy ra tình trạng mất rừng thì Chủ tịch UBND các cấp phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định. Lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng từng bước đổi mới theo hướng phải bám rừng, bám dân, gắn với chính quyền cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân, cộng đồng cho sự nghiệp bảo vệ rừng…
Hiện các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 2.253.804 ha rừng tự nhiên, giảm 180.000 ha so với năm 2010; độ che phủ rừng giảm 6,1%, từ 51,9% xuống còn 45,8%; trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m3…