ThienNhien.Net – Ngày 10-1, giáo sư Võ Quý – nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam ra đi, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát lớn cho ngành khoa học môi trường và thiên nhiên của Việt Nam.
GS Võ Quý sinh năm 1929, tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau thành Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, ông còn giảng tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp… và Đại học Wiscosin, California Berkley (Mỹ), Đại học Oxford (Anh)…
Ông là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN), Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC/IUCN).
Ở trong nước, ông là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức như Tổng hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam…
Vốn là người yêu thiên nhiên, ham thích nuôi chim từ thuở thiếu thời, GS Võ Quý đã sớm định hướng cho mình theo đuổi nghiên cứu chuyên ngành Điểu loại học ngay từ khi bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956).
Khi mới hơn 30 tuổi, ông đã phát hiện một loài trĩ mới ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Nhưng lúc ấy nghiên cứu của ông chưa được các nhà khoa học thế giới công nhận ngay, ông kiên trì nghiên cứu và tìm tài liệu chứng minh con trĩ lam Hà Tĩnh mà dân địa phương quen gọi là “gà lừng” là một loài trĩ mới. 20 năm sau, những tài liệu đó thuyết phục giới khoa học quốc tế và Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đã đặt tên cho loài chim này là “Vo Quy Pheasant” (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện.
GS Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp, học trò lập hồ sơ cho 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. Ông đã là tác giả của 14 cuốn sách, tiêu biểu như: “Chim Việt Nam” (tập 1, 2), “Cuộc sống các loài chim”, “Danh mục các loài chim Việt Nam”…; là dịch giả chính của ba cuốn sách về môi trường đồng thời cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong nước và nước ngoài.
“Cây đại thụ của giới bảo tồn thiên nhiên”
Bằng những nghiên cứu xuất sắc của mình và các cộng sự, GS Võ Quý đã được trao tặng rất nhiều phần thưởng quý giá: Huy chương vàng về thành tích bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng khu bảo vệ thiên nhiên do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) trao tặng (1988). Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay nhận bằng Danh dự Global 500 của Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (1992).
Ông nhận huy chương John Philipps của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) và giải thưởng hạng nhất của Đức về bảo vệ môi trường sinh thái (1994); nhận giải thưởng về môi trường của Trường đại học Michigan, Hoa Kỳ (1995).
Năm 2003, ông nhận phần thưởng “Hành tinh xanh” do tổ chức ASAH (Nhật Bản) trao tặng với những giải pháp cải tạo môi trường thế giới và dự báo về sự phát triển môi trường trong tương lai. Trị giá giải thưởng là 50 triệu yên, tương đương 6 tỷ đồng Việt Nam. Đây là một giải thưởng quốc tế lớn nhất về môi trường, có giá trị tương đương với giải thưởng Nobel (vì Nobel không có phần thưởng dành cho môi trường) được trao cho những cá nhân và tổ chức đã có thành tích nổi bật trong lĩnh vực này. Ông còn là một trong 35 nhà khoa học được bầu chọn là Anh hùng môi trường theo Tạp chí Time, Hoa Kỳ (2008)…
GS Võ Quý đã tặng toàn bộ giải thưởng Pew Scholars 150.000 USD của Đại học Michigan (Hoa Kỳ) để phục vụ cho việc nghiên cứu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Hà Tĩnh. Ông cũng đã dành toàn bộ giải thưởng Hành tinh xanh 50 triệu yên cho việc nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ ngành môi trường.
GS Võ Quý là đồng sáng lập và Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm hai Chương trình quốc gia về môi trường từ năm 1981 đến năm 1990. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc đề xuất các chính sách phát triển bền vững như thành lập các khu bảo tồn và thúc đẩy Việt Nam tham gia các thoả thuận quốc tế bảo tồn đa dạng sinh học. Ông cũng là người biên tập và là đồng tác giả của bản thảo đầu tiên về Chiến lược bảo vệ môi trường và Luật Bảo vệ môi trường.
Với những đóng góp to lớn đối với nghiên cứu môi trường Việt Nam và thế giới, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), đơn vị nhận được sự cố vấn và hỗ trợ tinh thần của GS Võ Quý từ ngày thành lập, gọi ông là “cây đại thụ của giới bảo tồn thiên nhiên” và nhận định “sự ra đi của GS Võ Quý là một mất mát to lớn đối với giới bảo tồn Việt Nam, cũng như cộng đồng nghiên cứu khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế nói chung”.