ThienNhien.Net – Giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động Giao thông vận tải (GTVT); 90% nguồn khí thải công nghiệp đạt chuẩn; Giảm 65% khối lượng túi ni-lông tại các siêu thị, giảm 50% khối lượng túi ni-lông tại các chợ dân sinh… là những chỉ tiêu “gây sốc” do UBND TP. HCM đặt ra.
Những chỉ tiêu “siêu sốc”
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2016, qua 9 lần dự thảo, đến nay, UBND TP đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016-2020. Chương trình gồm có 4 nhóm mục tiêu với 16 chỉ tiêu cụ thể và 54 chương trình đề án ưu tiên thực hiện.
Cụ thể, về giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, TP đặt ra mục tiêu 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát.
80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường; Giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải; 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Về mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế, TP đặt ra mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt; 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh.
Giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Về vấn đề cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm, TP đặt ra mục tiêu giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt; 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch; 100% xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường; Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phấn đấu 80% người dân áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
Về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu, TP đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên 40%.
Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ trên toàn thành phố.
Nâng cao trách nhiệm cộng đồng và năng lực cho cán bộ quản lý: đảm bảo trên 80% cộng đồng dân cư tại các xã – phường thuộc vùng dễ bị tổn thương, thường xuyên bị thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và 100% công chức, viên chức thành phố có hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; 100% hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu.
Hơn 6.000 tỷ đồng với nhiều giải pháp
UBND TP cho biết, để tạo tiền đề thực hiện những mục tiêu nói trên, ngay từ đầu năm 2017, TP đã xây dựng và đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tập trung giải quyết đối với các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải; Tiến hành triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các nguồn thải có lưu lượng từ 1.000 m3/ngày trở lên; Buộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phải lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước thải tự động và thiết lập đường truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn, triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải rỉ rác sau xử lý và chất lượng không khí xung quanh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và truyền dữ liệu quan trắc chất lượng nước thải thường xuyên, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Triển khai Kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các Khu xử lý chất thải rắn của thành phố, lựa chọn và triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ tiên tiến, hiện đại với công suất 1.000-2.000 tấn/ngày.
Đầu tư, nâng cấp, mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh…
Triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung (Tham Lương-Bến Cát, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Bình Hưng giai đoạn 2); cải tạo, nạo vét, khai thông, duy tu, bảo dưỡng hệ thống các kênh rạch được phân cấp quản lý.
Triển khai các giải pháp hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân gắn với phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng; Đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình xử lý chất thải của các cơ sở y tế đảm bảo đạt quy chuẩn về môi trường…
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, tổng kinh phí đưa ra để thực hiện Chương trình dự kiến là 6.419,6 tỷ đồng.