ThienNhien.Net – Trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm băng tan chảy và đe dọa môi trường sống của những đàn gấu Bắc Cực, ngày 9/1, nhà chức trách Mỹ đã công bố kế hoạch hành động chung trong nỗ lực bảo vệ loài động vật quý hiếm này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Với khoảng 22.000 đến 31.000 cá thể gấu Bắc Cực còn sót lại trên thế giới, Cơ quan bảo vệ cá và động vật hoang dã Mỹ (FWS) đã công bố kế hoạch quản lý bảo tồn loài gấu Bắc Cực, trong đó kêu gọi một loạt hành động bảo vệ loài động vật được mệnh danh là “Chúa tể Bắc Cực” này.
Kế hoạch này hối thúc việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu do hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây ra, đồng thời kêu gọi giảm thiểu các xung đột giữa con người và loài gấu.
Kế hoạch cũng khuyến khích người dân nỗ lực bảo vệ môi trường sống của gấu Bắc Cực và giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm từ các sự cố tràn dầu.
Ngoài ra, việc quản lý chặt chẽ hoạt động săn bắn gấu Bắc Cực cũng được nếu ra trong bản kế hoạch chung này.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc khu vực Alaska của FWS Greg Siekaniec cho biết kế hoạch trên nêu bật những hành động cần thiết và những cam kết cụ thể của FWS cũng như nước Mỹ và các đối tác quốc tế trong nỗ lực bảo vệ gấu Bắc Cực trong ngắn hạn.
Ông Siekaniec cũng nhấn mạnh số phận của loài gấu Bắc cực trong dài hạn sẽ rất bất ổn nếu nếu không có hành động dứt khoát để giải quyết tình trạng nóng lên ở Bắc Cực.
Theo FWS, hầu hết các hành động được nêu trong kế hoạch đã được cơ quan này phối hợp với các cộng đồng người thổ dân bản địa ở Alaska, các tổ chức phi lợi nhuận, và các đại diện ngành công nghiệp để triển khai. Kế hoạch này tập trung vào một bộ phận gấu Bắc Cực Mỹ sống ngoài khơi bờ biển Alaska.
Tuy nhiên, nỗ lực trên cũng sẽ góp phần bảo tổn các đàn gấu Bắc Cực sống tại các vùng lãnh thổ thuộc Nga, Canada, Nauy và Greenland.
Gấu Bắc Cực được đưa vào danh sách cần được bảo vệ từ năm 2008 theo Đạo luật Các loài động vật nguy cấp của Mỹ.
Loài động vật có vú này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi môi trường sống của chúng bị thu hẹp do hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng Bắc Cực tan chảy.
Hồi cuối năm ngoái, giới nghiên cứu đã cảnh báo hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ làm biến mất 1/3 số lượng loài gấu Bắc Cực trong 35 năm tới.