ThienNhien.Net – Bên cạnh việc khẳng định không có tình trạng săn, bắt động vật hoang dã trong địa bàn đơn vị mình quản lý, lãnh đạo Vườn quốc gia Tam Đảo còn đưa giả thuyết “sốc” về nguồn gốc một số loại động vật đang được các tiểu thương bày bán.
Liên quan đến tình trạng buôn bán thịt thú rừng công khai tại khu vực huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc được Báo Lao Động phản ánh, hôm qua (10.1), trong một văn bản gửi tới Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Vườn quốc gia Tam Đảo đã cho biết quan điểm của mình về việc này.Theo đó, văn bản số 06, do Phó giám đốc Vườn là ông Nguyễn Minh Tuấn ký ngày 10.1, nêu rõ: “Trong thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo đã thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng nhưng không phát hiện thấy hiện tượng săn, bắt các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ trên địa bàn Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý”.
Chính vì vậy, đơn vị này đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường phối hợp trong việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo không để xảy ra các tình trạng mua bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các động vật hoang dã trên địa bàn. Đồng thời, văn bản cũng đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm rõ nguồn gốc các mặt hàng được bày bán tại thị trấn Tam Đảo.
Cũng trong ngày 10.1, trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm: “Vì địa điểm bày bán các loại động vật hoang dã được phản ánh thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nên chúng tôi đã làm công văn gửi tới các cơ quan liên quan, đề nghị được làm rõ. Còn tại địa bàn VQG quản lý, trong quá trình đi làm, chúng tôi không phát hiện được vụ nào mà cũng chẳng bắt được ai bao giờ”.
Phỏng đoán về nguồn gốc của các loại động vật được bày bán, vị Phó giám đốc VQG Tam Đảo cho biết, có thể là các loại vật nuôi, đặc biệt như con cheo cheo, người dân ở đây có một biệt tài là… làm giả. “Họ bắt con chuột cống hơ lửa lên rồi kéo dài cổ ra, sau đó chặt đuôi chặt chân, giả làm con cheo bán cho du khách…” – ông Tuấn nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hiệp – Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đảo – khẳng định: Đã chỉ đạo anh em ở địa phương làm rõ, báo cáo cụ thể bằng văn bản cho lãnh đạo huyện.
Trước đó, trong một khảo sát của PV Báo Lao Động tại chợ thị trấn Tao Đảo những ngày đầu năm 2017, chỉ một góc chợ nhỏ mà có đến cả chục gian hàng bày bán các loại động vật được quảng cáo là nhím, cheo, chồn, cầy hương… và những động vật quý hiếm khác trong diện bảo vệ nghiêm ngặt.
Giá của cheo cheo là khoảng 400.000 đồng/kg; cầy hương 700.000 đồng/kg… Đặc biệt, các con vật này đều được chủ hàng “nổ” là săn từ trong rừng ra, vẫn còn tươi ngon và đôi khi là săn được cả đàn.
Không chỉ phục vụ mọi nhu cầu, các chủ hàng còn cam kết “bao” cả đường đi nếu gặp cơ quan chức năng. Hoặc đơn giản, chỉ cần đặt tiền, hàng sẽ gửi thẳng về thẳng Hà Nội.