ThienNhien.Net – Theo một báo cáo khoa học mang tên “Các loài kỳ lạ” do Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố cuối năm 2016, trong năm 2015, đã có 163 loài mới được phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (bao gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc).
Sở dĩ năm 2016 mới công bố kết quả nghiên cứu năm 2015 là vì sau khi được phát hiện, một loài mới cần được mô tả khoa học và được xem xét, đánh giá bởi nhiều chuyên gia – một quá trình mất không ít thời gian. Đáng lưu ý là trong số 163 loài mới này, có tới 87 loài được phát hiện ở Việt Nam, đóng góp tới 53%.
Đây là một con số đáng mừng, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia phong phú về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Việt Nam cũng lại là cái tên được nhiều nhà bảo vệ động vật hoang dã nhắc đến như quốc gia có hoạt động săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã phức tạp, thậm chí còn là điểm trung chuyển mặt hàng hoang dã cho các quốc gia khác.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đa dạng sinh học cũng đang bị xâm hại nặng nề. Năm 2010, cá thể tê giác Java một sừng cuối cùng đã bị giết để lấy sừng. Hổ, sao la cũng đang ở bên bờ vực tuyệt chủng. Theo WWF, Việt Nam chỉ còn không quá 5 con hổ ở ngoài tự nhiên, so với con số khoảng 30 con hổ mà tổ chức này ước đoán vào năm 2011, nghĩa là chỉ khoảng vài năm nữa, Việt Nam rất có thể chỉ còn hổ ở dạng nuôi nhốt chứ trong tự nhiên coi như tuyệt chủng. Điều này đi ngược với thế giới khi những nỗ lực nhằm bảo vệ loài hổ trên toàn cầu đã giúp cho số lượng loài hổ đang có dấu hiệu gia tăng. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy tổng đàn hổ trên toàn thế giới là 3.890 con, tăng 690 con so với thời điểm điều tra vào năm 2010.
Nhìn một cách thẳng thắn, các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay phần lớn còn nặng tính hình thức. Đa số người tham gia thường chỉ thấy hoạt động này như những… cuộc vui. Không nhiều người sau khi tham gia lễ hội hóa trang thành động vật hoang dã vẫn còn tiếp tục xắn tay áo làm những việc thiết thực để bảo tồn, ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Mà áp lực phát triển tạo ra từ các hoạt động khai khoáng, mở rộng đường sá, phát triển thủy điện… thì đang chống lại các loài hoang dã, làm thay đổi hoàn toàn môi trường sống của chúng. Nhiều loài có thể biến mất vĩnh viễn trước khi được phát hiện, bất chấp lời cảnh báo nghiêm khắc của các nhà nghiên cứu môi trường rằng, đến năm 2020, số lượng quần thể các loài cá, chim, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát có thể suy giảm tới 2/3 so với 5 thập niên trước và Trái đất đang đối diện với một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.