ThienNhien.Net – Ngày 7-1, UBND Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức lễ vinh danh và đón nhận danh hiệu “Cây di sản Việt Nam” đối với 7 cây cổ thụ của 4 loài tại ngọn Thủy Sơn – Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Hành trình xác định tuổi cho những cây cổ thụ
Theo ông Nguyễn Hòa – Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, trước những tìm tòi, khám phá để xác thực nguồn cây di sản của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (HBVTN&MT) Việt Nam, UBND Q. Ngũ Hành Sơn đã có văn bản trình UBND TP xin chủ trương cho phép thăm dò, khai thác, xác định nguồn cây xanh cổ thụ tại ngọn Thủy Sơn – Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngay sau đó, thành phố chỉ định Sở TN-MT chủ trì phối hợp với UBND Q. Ngũ Hành Sơn, HBVTN&MT TP, Sở VH-TT, Sở Du lịch, Sở NN&PTNT TP cùng các chuyên gia triển khai thực hiện việc xác định tuổi, kiểm tra kỹ thuật đối với các cây tại ngọn Thủy Sơn để đề xuất xét chọn Cây di sản Việt Nam. Tháng 6-2016, HBVTN&MT Việt Nam tiến hành đo đạc, khoan tăng trưởng cây lấy mẫu để xây dựng báo cáo chuyên đề về thông tin tọa độ, các chỉ tiêu hình thái, hiện trạng và tuổi cây cổ thụ ở khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Qua thực tế khảo sát, đo đạc, đánh giá các cây cổ thụ tại ngọn Thủy Sơn, các đơn vị thống nhất cao với việc chọn quân thể 4 loài 7 cây gắn liền với những giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất này qua hàng trăm năm để trình HBVTN&MT Việt Nam xét công nhận là cây di sản.
Sau thời gian xét duyệt, thẩm định, HBVTN&MT Việt Nam đã chính thức công nhận 4 loài, 7 cây tại ngọn Thủy Sơn là “Cây di sản Việt Nam”. Đó là cây đa sộp 610 năm tuổi, cao 25m, chu vi thân chính 1,1 m, đường kính gốc 2,438m. Cây đa phân bố ở sườn Đông ngọn Thủy Sơn, sau lưng chùa Linh Ứng và tán lá bao trùm toàn bộ mái chùa. Môi trường sống trên núi đá vôi, khô hạn, chịu ảnh hưởng mạnh của gió biển. Cây có hình dáng đặc sắc bề thế, vẫn đang xanh tốt, ra hoa, kết trái hàng năm. Đây là cây đa lớn nhất ở Ngũ Hành Sơn, nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa “Quốc Tự”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cây đa là nơi tụ họp, nghỉ ngơi của các chiến sĩ cách mạng. Dưới gốc cây đa là động Tàng Chơn là văn phòng hoạt động mật thời chống Mỹ. Cây đa Ngũ Hành Sơn là một trong bốn loại cây cảnh có giá trị đối với người phương Đông “Sanh – Sung – Đa – Lộc”. Vị trí của cây kết hợp với chùa rất hài hòa “Thế – Lão – Đại – Hòa” tạo nên cảnh quan rất đẹp. Ngoài ra, cây có giá trị bóng mát, ẩm thực và tâm linh.
Kế đến là cây Thị 205 năm tuổi, cao 18m, chu vi thân 2,17m, phân bố ở sườn nam ngọn Thủy Sơn, sau lưng chùa Tam Thai. Cây có hình dáng đẹp và ra hoa, kết trái hàng năm. Đặc biệt, cây nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa, có giá trị thẩm mỹ cao, có thể làm cây cảnh, dáng đẹp, trái thơm. Tiếp theo là 2 cây bàng ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn, trước chùa Tam Thai, tán lá bao trùm toàn bộ sân chùa. Gồm cây bàng đực 240 năm tuổi, cao 15m, chu vi thân 2,72m và cây bàng cái 350 năm tuổi, cao 20m, chu vi thân 4,2m. Cây nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa “Quốc Tự”, có kích thước lớn, hình dáng đặc sắc bề thế, tạo dáng đẹp và bóng mát che sân chùa, có giá trị về cảnh quan văn hóa du lịch và còn mang đậm chất truyền thuyết dân gian. Cuối cùng là cụm 3 cây bồ kết nằm ở lối vào động Tàng Chơn ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn gồm 1 cây 210 năm tuổi, 1 cây 200 năm tuổi và 1 cây năm 160 tuổi; chiều cao từ 18 – 25m, chu vi thân từ 1,3 – 1,75m.
Việc 7 cổ thụ tại ngọn Thủy Sơn được công nhận danh hiệu cây di sản Việt Nam là thông tin vui đối với Q. Ngũ Hành Sơn, nhất là Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong việc có thêm sản phẩm mới để phục vụ khách tham quan, du lịch, góp phần cùng những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cha ông để lại, làm phong phú thêm cho văn hóa, lịch sử của một vùng đất anh hùng…”, ông Nguyễn Hòa khẳng định.
Phải bảo vệ thật tốt cây di sản
Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, ông Nguyễn Hòa đề nghị Phòng TN&MT, Ban Quản lý Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn (BQL) và UBND P. Hòa Hải phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, nhất là tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Làm tốt việc tuyên truyền rộng khắp đến mọi tầng lớp nhân dân cùng nêu cao ý thức gìn giữ môi trường luôn xanh – sạch – đẹp, bảo vệ và chăm sóc hệ thực vật tại năm ngọn núi, trong đó có các loại cây cổ thụ đã được công nhận là cây di sản, cây có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Đồng thời, BQL là đơn vị trực tiếp quản lý phải có kế hoạch triển khai cải tạo, chăm sóc, bảo vệ thật tốt đối với cụm 2 cây bàng, 3 cây bồ kết, cây đa sộp và cây xanh hiện có, duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp” và định kỳ tổ chức trồng hoa, cây xanh làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có của Danh thắng này. Bên cạnh đó, BQL cùng các chùa, địa phương vận động nhân dân, du khách, đạo hữu, Phật tử cùng chung tay trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, chống các hành vi làm xâm hại di tích, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ông Nguyễn Hòa nhấn mạnh: “Chúng ta đang thừa hưởng một di sản quý giá của cha ông và của thiên nhiên để lại. Việc ứng xử văn hóa trước di sản là điều quan trọng và là mối quan tâm không chỉ riêng ai mà là của cộng đồng xã hội. Các hệ thực vật, cây xanh được công nhận là cây di sản đã góp thêm bề dày cho tầng văn hóa vật thể tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là mục đích hướng tới của mọi người “Vì một thế giới môi trường Xanh – Sạch – Đẹp”. Ý nghĩa đó không chỉ sáng lên trong ngày “Vinh danh cây di sản” mà phải là từ những hành động thiết thực nhất của mỗi chúng ta về ý thức bảo vệ môi trường”.