ThienNhien.Net – Những năm qua, người dân xã vùng sâu vùng xa An Thắng, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) ngày nào cũng ngóng chính quyền địa phương giao lại đất đai cho mình để cấy lúa, trồng ngô sau khi đã thu hồi cho doanh nghiệp khai thác hết vàng sa khoáng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Bắc Cạn vẫn chưa giao lại đất đai, không có việc làm nên đời sống người dân rất khó khăn.
Dòng sông Pác Nặm chảy qua xã An Thắng, trước đây hai bên sông là bờ bãi trồng ngô, cấy lúa của nhân dân địa phương. Cuộc sống của người dân tuy không khá giả, nhưng ổn định vì hằng năm đủ lương thực chứ không lâm vào cảnh khó khăn, chật vật như những năm gần đây.
Hàng trăm hộ dân bắt đầu thiếu việc làm, dần khó khăn từ năm 2010 khi chính quyền địa phương thu hồi hơn 40ha đất khu vực Bản Nghiểng – Vằng Ma, gồm đất mặt nước (lòng sông), soi bãi, đất cấy lúa, trồng ngô hai bên sông rồi cấp phép cho Công ty CP Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát khai thác vàng sa khoáng. Tiền đền bù đất soi bãi ven sông không được là bao, chỉ đủ chi tiêu cho gia đình trong thời gian ngắn, trong khi nông dân không còn đất canh tác, thất nghiệp.
Gia đình chị Ma Thị Bung ở thôn Tiến Bộ, xã An Thắng có bốn nhân khẩu, trước đây kinh tế gia đình tuy không khá giả, nhưng ổn định vì có ruộng đất cấy lúa, trồng ngô nên đủ lương thực chi dùng. Nhưng đã hơn bảy năm qua, là nông dân mà dường như gia đình chị Bung đã quên công việc đồng áng, bởi toàn bộ ruộng đất đã bị thu hồi để doanh nghiệp khai thác vàng. Từ ngày không có đất canh tác, kế sinh nhai không còn, gia đình chị Bung cũng như nhiều gia đình nơi đây lâm vào cảnh bế tắc vì không có việc làm, không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn.
Anh Triệu Văn Dương ở thôn Tiến Bộ, xã An Thắng tâm sự: “Là nông dân mà chúng tôi không còn đất canh tác, ở vùng sâu vùng xa heo hút này không dễ tìm việc làm tại chỗ, để kiếm cái ăn hằng ngày, nhiều lao động trong thôn phải tứ tán khắp nơi, ai thuê việc gì cũng làm. Cứ thế này rồi không biết sẽ ra sao”.
Khai thác vàng ở khu vực Bản Nghiểng – Vằng Ma hơn hai năm, Công ty CP Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát dùng máy xúc, máy ủi đào bới bung bét cả khu vực rộng lớn là lòng sông, đất canh tác của nhân dân địa phương. Không biết khai thác được bao nhiêu vàng, nhưng công ty này nợ thuế, phí lên đến hàng trăm tỷ đồng nên đã bị tỉnh Bắc Cạn thu hồi giấy phép khai thác vàng từ tháng 10-2013, sau đó tỉnh Bắc Cạn yêu cầu san lấp lại mặt bằng, phục hồi môi trường toàn bộ khu vực khai thác với mục đích để giao lại cho nhân dân địa phương sản xuất nông nghiệp.
Công ty CP Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát đã thực hiện san lấp lại mặt bằng, phục hồi môi trường khu vực khai thác. Nhưng trên thực tế, dường như công ty này chưa thực hiện đúng đề án hoàn thổ, san lấp mặt bằng, phục hồi môi trường.
Anh Triệu Văn Dương ở thôn Tiến Bộ, xã An Thắng bức xúc: “Phần lớn mặt bằng sau khi san lấp, phục hồi môi trường lổn nhổn toàn sỏi đá, không có lớp đất màu nên không thể canh tác được. Trong khi đó, do không được quản lý tốt, nên chỗ nào bằng phẳng thì đã bị một số hộ dân xâm chiếm, quây rào trồng ngô nên rất có thể sau này sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các hộ. Mặc dù việc hoàn thổ không đạt yêu cầu, nhưng người dân chúng tôi mong muốn chính quyền giao lại đất để cải tạo, canh tác ổn định cuộc sống lâu dài”.
Chủ tịch UBND xã An Thắng Nguyễn Viết Trung cho biết: Trong những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, lần nào cử tri xã An Thắng cũng kiến nghị tỉnh, huyện sớm giao lại đất khu vực mỏ vàng đã san lấp để bà con cải tạo, canh tác nông nghiệp để có sinh kế lâu dài. Chính quyền xã cũng đã kiến nghị việc này, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi hàng trăm hộ dân từ năm này qua năm khác mong chờ được giao lại đất để canh tác ổn định cuộc sống, thì đến nay tỉnh Bắc Cạn chưa xác nhận những nội dung cải tạo, phục hồi môi trường khu vực mỏ vàng An Thắng, chưa phê duyệt đóng cửa mỏ, chưa giao cho huyện, cho xã quản lý để sau đó giao lại cho người dân địa phương canh tác.
Chính quyền và nhân dân xã An Thắng đề nghị, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn kiểm tra lại khu vực mỏ vàng Bản Nghiểng – Vằng Ma, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường khu vực này chưa bảo đảm chất lượng thì yêu cầu doanh nghiệp làm lại cho đạt để tiến hành nghiệm thu, đóng cửa mỏ, sau đó giao cho chính quyền địa phương đo đạc, giao cho dân canh tác để ổn định sinh kế lâu dài.