ThienNhien.Net – Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, hệ sinh thái sông ngòi gần như biến mất dù là mùa khô hay mùa lũ, thậm chí tính mạng, tài sản của người dân hiện nay cũng đang bị đe dọa bởi thủy điện là thực trạng tại các lưu vực sông tại miền Trung – Tây Nguyên. Thế nhưng những đánh giá tác động trước khi đưa vào vận hành một nhà máy thủy điện còn bỏ sót quá nhiều, gây hệ lụy nặng nề.
Khai thác ồ ạt, hệ lụy chồng chất
Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.371 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000MW. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến năm 2015, Việt Nam đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc.
Thủy điện đang có vai trò quan trọng trong mạng lưới điện của Việt Nam. Tuy nhiên sự hiện diện rất dày các công trình thủy điện lớn nhỏ ở khắp các hệ thống sông suối của Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung hiện nay cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh năng lượng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, các công trình thủy điện cũng gây nên những tác động tiêu cực to lớn đối với môi trường, xã hội.
Tại hội thảo phát triển thủy điện bền vững tháng 12.2016 tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Khánh Tâm Anh, (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam) nêu lên thực tế, từ năm 2010 đến nay, toàn xã Đại Hồng có 150ha đất bị bồi cát do các thủy điện xả lũ. Năm 2008, Hợp tác xã Thủy bộ Đại Lộc có 120 phương tiện vận chuyển đường thủy nhưng đến năm 2014 thì chỉ có 8 phương tiện. Nguyên nhân là do thủy điện tích nước khiến dòng sông Vu Gia nơi hạ du khô đáy, hơn 40 hộ dân tại thôn Đông Phước và Dục Tịnh phải bỏ nghề đánh bắt cá. Từ đó, ông Anh đặt vấn đề, các nhà đầu tư đã kiểm tra, đánh giá đầy đủ những thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng hay chưa?
Chạy lũ thủy điện
Năm 2016 có thể được xem là thời điểm chứng kiến việc người dân chạy lũ thủy điện với con số thiệt hại về người và vật chất khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu chúng ta có phải trả giá quá đắt cho các dự án thủy điện!
Chỉ hai tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung liên tiếp gánh 5 đợt mưa lũ lớn khiến 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 42.800ha lúa, 39.000ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng. Bình Định là một trong địa phương chịu hậu quả nặng nề của những đợt mưa lũ, toàn bộ hệ thống giao thông ngập trong nước, 14 hồ chứa chảy qua thân đập dẫn đến nguy cơ vỡ đập. Sau 5 đợt mưa lũ, cơ sở hạ tầng của Bình Định đã quay lại “10 năm về trước” .
Một trong những nguyên nhân gây nên những trận lũ lịch sử này là việc 36 hồ đập thủy điện, thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên xả tràn đồng loạt. Cứu đập, cứu hồ và cái giá là người dân trắng tay. Như vậy, trong khi vai trò của thủy điện được xem là điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ du thì hàng loạt thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên đang làm điều ngược lại.
Tiến sĩ Quách Thị Xuân, Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Đà Nẵng khẳng định, chính dung tích nhỏ của các hồ miền Trung khiến tác động cắt lũ của các thủy điện này gần như không có. Thậm chí, khi đang có lũ thì xả lũ về hạ lưu và xả đồng thời các hồ khiến lũ chồng lũ. “Chúng ta cần nhận xem lại việc xây dựng quy trình vận hành hiện nay, sự phối hợp liên hồ đã ổn hay chưa? Cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới như thế nào để không gây ra những hậu quả như vừa qua chứ không thể nói đúng quy trình là thôi!”.
Không đánh giá tác động lâu dài, hệ lụy hàng thế kỷ
Theo nghiên cứu của ông Đặng Ngọc Quang – cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, tại thôn Đông Phước và Dục Tịnh, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, đập thủy điện làm giảm mạnh đa dạng sinh học, mất nguồn thực phẩm và thu nhập từ cá. Người dân hạ lưu mất nghề vận chuyển bằng thuyền. Ruộng đồng bị cát vùi lấp, làm giảm sút thu nhập từ nông nghiệp. Mực nước ngầm hạ thấp, tăng chi phí khai thác nước.
Còn tại thủy điện Tả Trạch, Thừa Thiên Huế, thôn tái định cư Bến Ván, sau 8 năm mới chỉ được cấp một nửa đất lâm nghiệp vào năm 2011. Sinh kế sa sút do thiếu đất, nguồn cá cạn kiệt do thủy điện. Qua khảo sát tại 10 nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thủy điện cho thấy, các đập thủy điện có nhiều hệ lụy liên quan tới tài nguyên của người dân như từ sinh kế đến khu tái định cư. Trong đó, nhiều hệ lụy chưa xem xét trong các đánh giá tác động như sạt lở, cát vùi, mất nguồn cá, tác động ở vùng hạ lưu.
“Sau hơn một thập niên, những vấn đề mà các dự án thủy điện để lại vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của cộng đồng, những tổn thương mà thủy điện gây ra vẫn chưa được hàn gắn sau hàng chục năm”, ông Quang nhận định.
Nghiên cứu tại công trình thủy điện Buôn Knốp, một trong những công trình quy hoạch thủy điện bậc thang sông Serepôk của tỉnh Đắk Lắk, cuộc sống của người dân trước đây vốn dựa vào đất đai trồng trọt chăn nuôi, đời sống trước đây vốn ổn định. Tuy nhiên khi khai thác thủy điện, nước dâng lên, từ chỗ có tới vài hecta nhiều gia đình chỉ còn vài trăm mét vuông. Nhiều gia đình không còn đất canh tác. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện áp dụng cách chuyển tiền đền bù làm nhiều lần xa nhau, lượng tiền mỗi lần không đủ để người dân mua đất, nhiều người dân phải chuyển sang làm thuê.
Buôn D’rai là một buôn của người Ê Đê chịu ảnh hưởng nặng nề của Nhà máy thủy điện Buôn Knôp. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng cà phê, tiêu, nhưng hiện nay không còn đất sản xuất, nhiều hồ vẫn đang chờ đền bù. Cuộc sống tại khu tái định cư gặp nhiều vấn đề như thiếu nước sinh hoạt, nhà cửa mới xây dựng đã xuống cấp.
Trong khi đó các thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Vu Gia lại tác động mạnh đến môi trường tự nhiên. Chúng đã làm thay đổi nghiêm trọng chế độ dòng chảy của sông và qua đó đã gây những hệ quả tai hại cho cộng đồng trong những năm gần đây theo hướng ngày càng nghiêm trọng. Những khảo sát đo mực nước do người dân xã Đại Hồng thực hiện năm 2015 đã ghi nhận dòng chảy kiệt xuất hiện sớm hơn so với trước đây (tháng 1 thay vì tháng 3), đôi lúc có cả trong mùa mưa. Mực nước sông vào thời gian kiệt thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Nước lũ trên sông diễn biến bất thường, có thể xuất hiện cả mùa nắng. Khi lũ thì tốc độ dòng chảy mạnh, nước dâng nhanh.
Về đất đai, diện tích đất sản xuất bị cát phủ làm giảm diện tích sản xuất chung. Năm 2010 – 2012 diện tích sản xuất trong xã là 445ha. Đến năm 2014 suy giảm chỉ còn 437ha. Điều tệ hại là những cánh đồng trồng hoa màu, như lạc ngô, thường xuyên bị cát làm suy giảm năng suất, thậm chí mất mùa. Về thủy sản, đa dạng sinh học trên sông gần như đã mất. Hiện tại ngư dân trên sông chỉ còn thấy 3 loại cá ít giá trị xuất hiện. Nhiều loại cá có giá trị suy giảm, thậm chí chỉ còn bằng 1/10 so với trước. Số người hiện còn chuyên hành nghề đánh cá ở 2 thôn Đông Phước và Dục Tịnh giờ chỉ còn khoảng 25 hộ, trong đó nhiều hộ bỏ không đánh bắt ở sông Vu Gia mà chuyển sang các thủy vực của các con sông khác.
Ông Quang nhấn mạnh, cũng như nhiều lĩnh vực khác, việc khai thác năng lượng từ các dòng sông gắn liền với những vấn đề xã hội, với những ảnh hưởng nhiều khi âm tính, kéo dài hàng chục năm. Trong khi những nguyên tắc phát triển bền vững đòi hỏi sự tăng trưởng bền vững phải đáp ứng, cả ba chiều cạnh sự tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bền vững về môi trường, các dự án thủy điện nhiều khi chỉ đảm bảo được một tiêu chí kinh tế.