Cơ giới hóa, nâng hiệu quả thu gom rác

ThienNhien.Net – Quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh đã khiến Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt. UBND TP Hà Nội đã quyết định đầu tư phương tiện thu gom cơ giới và xây dựng điểm trung chuyển rác thải nhằm sớm khắc phục những bất cập trong công tác này, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Thiếu điểm tập kết, rác thải gây ô nhiễm môi trường

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày đêm, thành phố phát sinh gần 5.400 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó khu vực đô thị là 3.200 tấn, còn lại trên địa bàn các huyện. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung mới đạt khoảng 70%.

Tại khu vực nội đô, mặc dù năm 2016 bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã cơ giới hóa thu gom rác, song trên địa bàn các quận khác, công tác này vẫn thực hiện bằng xe gom rác đẩy tay; thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gom tại mặt phố, đầu ngõ gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Anh Nguyễn Xuân Tuân, quê Trực Ninh (Nam Định) làm nghề xe ôm gần số nhà 168 phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, nước rỉ rác từ điểm tập kết không được tưới rửa sạch phát tán ra mùi rất khó chịu, kéo theo đó là ruồi nhặng. Đơn vị môi trường cần tưới rửa sạch sẽ để hạn chế tối đa ô nhiễm.

Thực tế, với những quận xa trung tâm như Cầu Giấy, Hoàng Mai vẫn còn nhiều điểm cẩu rác chưa giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, xe gom tập kết nhiều hơn quy định (5 xe); không phủ bạt che chắn xe gom; việc tưới rửa, vệ sinh điểm tập kết chưa thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Xuân, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, tại đường Nguyễn Khang, điểm cẩu rác ở đây vẫn thường xuyên có số xe gom tập kết nhiều, việc chuyên chở chưa kịp thời, dẫn đến mùi rác ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ở khu vực ngoại thành Hà Nội tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng nhiều gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khá phổ biến. Một số huyện như Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ… việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mới thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận; những xã xa trung tâm, rác thải chưa được thu gom hoặc 2-3 ngày mới thu gom 1 lần…

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), hiện trên địa bàn các quận nội thành thiếu trạm trung chuyển rác, làm cho thời gian vận chuyển rác về các khu xử lý tập trung kéo dài; rác thải thu gom chờ vận chuyển phải tập kết trên đường, gây mất mỹ quan đô thị. “Việc chưa xây dựng các trạm trung chuyển chủ yếu là do các quận chưa bố trí được quỹ đất thích hợp. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bỏ rác không đúng giờ quy định, vứt rác bừa bãi ra lòng đường, hè phố và nơi công cộng gây khó khăn cho lực lượng duy trì vệ sinh”, ông Tiến nói.

Sẽ có điểm trung chuyển rác thải

Mới đây, UBND thành phố đã có văn bản, yêu cầu URENCO đổi mới công nghệ, cơ giới hóa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (nơi có mật độ dân cư cao, cự ly vận chuyển đến các khu xử lý tập trung lớn); khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng điểm chuyển tải khu vực Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) phục vụ thu gom trực tiếp rác thải sinh hoạt bằng các phương tiện thu gom rác cỡ nhỏ.

Cùng với đó, thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức không sử dụng ngân sách để xây dựng trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, quy mô 1,5ha đã được xác định trong quy hoạch. UBND các quận chủ trì, phối hợp với sở, ngành khảo sát chi tiết, thỏa thuận địa điểm và tổ chức đầu tư xây dựng các điểm chuyển tải rác sinh hoạt trên địa bàn, để bảo đảm việc cơ giới hóa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo phân cấp. Trong đó, tập trung đề xuất đối với các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và khu vực Nam Bắc sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm.

Đối với các quận, huyện chưa bố trí được địa điểm hoặc địa điểm đề xuất chưa khả thi, UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục chủ trì khảo sát, nghiên cứu và báo cáo UBND thành phố phương án thu gom vận chuyển theo hướng tăng cường cơ giới hóa trên địa bàn quản lý theo phân cấp, làm cơ sở thực hiện cho giai đoạn từ năm 2017.

Tại lễ tiếp nhận 12 xe quét hút Hako Citymaster do Tập đoàn Tân Hoàng Minh trao tặng Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết: Một trong những mục tiêu của thành phố là cơ giới hóa, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, xây dựng văn minh đô thị tương đương với các thành phố lớn trong khu vực. Năm 2017, thành phố sẽ triển khai đồng bộ cơ giới hóa thu gom rác trên toàn địa bàn, để góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng, năng suất công tác vệ sinh môi trường, thay thế các phương pháp thu gom rác thủ công, lạc hậu.