ThienNhien.Net – Ngày 4/1, các nhà nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học đã công bố “bản đồ mối đe dọa toàn cầu” về những nguy cơ tiềm ẩn từ hoạt động thương mại quốc tế đối với các loài sinh vật đứng bên bờ tuyệt chủng, qua đó chỉ ra sự liên hệ giữa một ly càphê espresso tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc một đĩa salad đậu phụ tại Chicago (Mỹ) tới môi trường tự nhiên tại những nơi khác như Đông Nam Á hoặc Nam Mỹ.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Ecology and Evolution (Tiến hóa và Sinh thái Tự nhiên), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa hoạt động tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu tại bốn thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) với sự suy giảm đa dạng sinh học tại hầu hết các “điểm nóng” trên khắp thế giới, gián tiếp đe dọa 7.000 loài sinh vật cần được bảo vệ theo danh sách của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Ví dụ, diện tích đất trồng càphê xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc đỗ tương sang Mỹ sẽ làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên trên đảo Sumatra của Indonesia và khu vực Mato Grosso của Brazil, tăng nguy cơ tuyệt chủng đối với hàng chục loài động, thực vật bản địa. Chuỗi cung cấp hàng hóa sản xuất toàn cầu – từ những chiếc điện thoại iPhone đến đồ nội thất của Ikea – cũng góp phần làm suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới.
Nếu như nghiên cứu trước đó của các nhà bảo tồn chỉ ra rằng thương mại quốc tế tạo ra khoảng 30% mối đe dọa tuyệt chủng đối với các sinh vật trên khắp thế giới, thì nghiên cứu mới nhất cung cấp công cụ xác định tỷ lệ đe dọa cụ thể từ hoạt động tiêu thụ hàng hóa tại nước này đối với sinh vật hoang dã tại một nước khác.
Khoảng 2% mối đe dọa đối với loài cóc sừng tại Brazil được cho là xuất phát từ hoạt động xuất khẩu gỗ sang Mỹ. Tương tự, gỗ khai thác tại Malaysia xuất khẩu sang EU và Trung Quốc cũng cướp đi môi trường sống của các loài động vật quý hiếm như voi châu Á, đại bàng đốm và gấu chó (Heclarctos malayanus).
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự mất cân đối về mức độ đầu tư cho các hoạt động bảo tồn. Hơn 90% trong tổng số 6 tỷ USD ngân sách cho bảo tồn lại được chi tại những nước giàu, trong khi phần lớn các “điểm nóng” về đa dạng sinh học lại tập trung ở các nước đang phát triển.
Theo các nhà khoa học, Trái Đất đã bước vào một “đợt tuyệt chủng hàng loạt” mới, được đánh dấu bằng việc các loài động, thực vật đang biến mất với tốc độ nhanh gấp 1.000 lần so với vài thế kỷ trước. Sau 500 triệu năm qua, mới chỉ có sáu đợt tuyệt chủng với quy mô như vậy, trong đó có những đợt tuyệt chủng là nguyên nhân biến mất của 95% các hình thức của sự sống trên Trái Đất.