ThienNhien.Net – Hơn 200ha rừng trồng cây mỡ của người dân xã Côn Minh (Na Rì) đã qua tuổi khai thác từ lâu, nhưng không đủ điều kiện khai thác khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vậy, nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu?
Theo đồng chí Hà Xuân Cảnh– Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh, từ năm 2003, 190 hộ dân thuộc các thôn Bản Cuôn, Bản Cào, Áng Hin, Chè Cậu, Bản Lài xã Côn Minh đã trồng hơn 200ha rừng mỡ, xoan theo các dự án 327, PAM, một số diện tích đã được cấp số đỏ. Đến năm năm 2004, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập đã quy hoạch cả diện tích rừng của bà con vào khu bảo tồn. Thế nên, rừng của người dân nằm ở vùng đệm khu bảo tồn, mà đã là khu bảo tồn thì tuyệt đối cấm khai thác, nên bà con không thể khai thác gỗ do chính mình trồng.
Nhân dân cũng đã kiến nghị lên xã và cấp trên nhiều lần nhưng địa phương cũng rất lúng túng không thể giải quyết cho người dân khai thác, trong khi cuộc sống nhiều hộ dân đang trông chờ vào rừng mình đã trồng. Chính vì thế, dẫn tới người dân lén lút khai thác rừng của mình mang đi bán.
Anh Chu Văn Đại ở thôn Bản Cuôn có gần 1 héc-ta cây mỡ, cây đã lớn hết cỡ từ lâu rồi, rất bức xúc vì đầu tư tiền mua giống, trồng và chăm sóc hàng chục năm nay trên mảnh đất có sổ đỏ do nhà nước cấp, nhưng giờ không thể khai thác để bán dù kinh tế gia đình rất khó khăn.
Tương tự như vậy, 2ha cây mỡ của ông Lộc Văn Trường, cũng ở thôn Bản Cuôn ngay cạnh đường đi, mỗi cây có giá tiền triệu cũng không thể kahi thác bán.
Hộ nhiều rừng nhất thuộc về ông Triệu Văn Toán, trồng 4 vạn cây, tương đương hơn 10ha ở khu vực Khau Thách (gần đỉnh đèo Áng Toòng) cũng chẳng được khai thác vì chỉ giới khu rừng mỡ này vẫn nằm trong diện tích của khu bảo tồn.
Sau khi nhận được những kiến nghị của cử tri xã Côn Minh, các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản gửi Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp & PTNT) đề nghị hướng dẫn về thủ tục và biện pháp kỹ thuật khai thác gỗ trong vùng đệm rừng đặc dụng. Sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã trả lời bằng Văn bản số 676/TCLN–BTTN ngày 12/5/2016, tuy nhiên nội dung chưa đủ cơ sở để được khai thác gỗ trong rừng đặc dụng.
Theo ông Nguyễn Đoàn Tú– Phó Chi cục trưởng Chi Kiểm lâm tỉnh thì tình trạng trên là trước đây quy hoạch Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã quy hoạch luôn diện tích đất rừng của bà con vào, đây là tài sản có trước khu bảo tồn. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ phối hợp với UBND xã Côn Minh rà soát, tổng hợp diện tích trồng lấn, đồng thời tham mưu với Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc trên. Cách thứ nhất là thu hồi đất và đền bù cho người dân. Tuy nhiên, cách này cũng khó vì kinh phí sẽ rất lớn trong khi tỉnh còn nghèo. Cách thứ hai là tạo điều kiện cho bà con lập hồ sơ khai thác tỉa dần chứ nếu khai thác “trắng” ngay thì không được. Trước mắt, chúng tôi tuyên truyền người dân không được khai thác, vì không có quy định nào khai thác rừng đặc dụng cả.
Hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng và hoàn thành trong tháng 6/2017. Đồng thời, tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đang bị chồng lấn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, thực hiện phân loại những diện tích rừng đã trồng của người dân đảm bảo tiêu chí có thể chuyển mục đích sử dụng từ rừng đặc dụng sang loại rừng sản xuất để người dân tiếp tục quản lý, sử dụng, đưa những diện tích này vào quy hoạch vùng đệm trong của khu bảo tồn.
Đối với diện tích rừng trồng của người dân nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, hướng giải quyết sẽ là tổ chức thống kê, đền bù tài sản cho người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có rừng trồng nằm trong khu bảo tồn, giao Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tổ chức quản lý, bảo vệ. Đối với những diện tích rừng trồng đã đủ độ tuổi khai thác cho phép người dân khai thác và bố trí kinh phí cho Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để tổ chức trồng lại rừng đặc dụng trên diện tích đã khai thác với những loài cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm có giá trị thu hái quả, kết hợp với trồng cây lâm sản ngoài gỗ.
Như vậy, những ý kiến, kiến nghị của người dân xã Côn Minh với mong muốn được khai thác rừng trong vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã được các cấp, các ngành chức năng tích cực giải quyết. Hy vọng các giải pháp nhanh chóng được thực hiện tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống./