ThienNhien.Net – Sản xuất nông-lâm kết hợp đang là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Bắc “ưng cái bụng” và phấn khởi áp dụng.
Đa dạng giống cây, bảo tồn tài nguyên
Vùng Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều đồng bào vùng DTTS như Thái, Mông, Tày Mường, Dao, Nùng… Muôn đời nay bà con vẫn quen độc canh trên đất dốc. Điều này là nguyên nhân dẫn đến đất tầng mặt bị rửa trôi, xói mòn và nghèo dinh dưỡng…
Nhờ sự thành công của dự án, tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ xã đặc biệt khó khăn trồng cỏ chăn nuôi; 6 triệu đồng cho 1ha trồng cây sơn tra (táo mèo) tại các xã thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. |
Ông La Nguyễn – Giám đốc Dự án nông – lâm kết hợp (AFLI) thực hiện tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Yên Bái cho hay, chính vì đồng bào sản xuất độc canh mà sau một thời gian năng suất cây trồng bị suy giảm. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng và bảo tồn tài đất và nước. Vì vậy, để suy trì năng suất cây trồng, các nông hộ ở đây đã phải sử dụng phân bón hóa học, làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất.
Anh Leo Văn Cường, bản Làng Mon, huyện Mộc Châu (Sơn La) thổ lộ: “Trước đây nhà tôi cứ trồng ngô trên sườn đồi, núi dốc, mưa xuống đất lở, xói mòn, chẳng thu được nhiều ngô. Sau này, nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi áp dụng mô hình nông – lâm kết hợp, trồng cây thân gỗ, cà phê, ngô. Sau thử nghiệm, thấy mô hình đạt hiệu quả tốt nên tôi mở rộng diện tích canh tác. Năm 2016 nhà mình đã thu được khoảng 1,3 tấn cà phê, tính ra cũng được mấy chục triệu đồng…”.
Theo ông La Nguyễn, nguyên tắc cơ bản của nông – lâm kết hợp là đưa cây thân gỗ vào cảnh quan nông nghiệp. Nếu thiết lập hợp lý, các hệ thống nông – lâm kết hợp sẽ đảm bảo duy trì ổn đình năng suất cho các loại cây trồng, giúp bảo tồn tài nguyên đất, cải thiện tiểu khí hậu và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông La Nguyễn cho biết thêm, mô hình nông-lâm kết hợp được triển khai từ năm 2011-2016 do Trung tâm Nghiên cứu nông lâm thế giới (ICRAF) Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Úc (ACIAR) và các đối tác địa phương thực hiện dự án ở 3 tỉnh trên. Mục tiêu chính của dự án là tăng năng suất và đa dạng các loại cây trồng cho nông dân nhỏ, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng Tây Bắc…
Đơn giản, hiệu quả thiết thực
Sau 5 năm triển khai, từ một vài mô hình thử nghiệm nhỏ, dự án đã gặt hái được nhiều thành công ở mức phổ biến, nhân rộng. Điều đồng bào “ưng cái bụng” khi chọn làm mô hình là trong khi cây lâu năm vẫn đang phát triển thì cây ngắn ngày đã mang lại hiệu quả về thu nhập…
Nhờ có hiệu quả thiết thực nên nhiều hộ ngoài dự án đã tự động áp dụng làm theo mô hình điểm, trong đó có 7 vườn ươm của nhóm hộ nông dân chuyên cung ứng cây giống. Ông Lê Văn Hùng – đại diện nhóm hộ nông dân tại Yên Bái cho biết: “Trước kia mua cây giống ngoài, chúng tôi không yên tâm về chất lượng. Anh em trong dự án hướng dẫn từ khâu làm vườn ươm, làm đất sau đó mới chọn giống cây đảm bảo chất lượng về cho bà con cấy ghép tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”. Còn tại bản Nà Ban, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) 32 nông dân đã tình nguyện liên kết thiết lập vùng nông – lâm kết hợp rộng tới 50ha. Tổng số có khoảng 22.000 cây ăn quả các loại đã được trồng xen, ghép gồm nhãn, xoài, bưởi, chanh. Cũng trên diện tích này, các hộ đã trồng 5ha cỏ làm thức ăn cho gia súc theo đường đồng mức.