ThienNhien.Net – Mưa lũ liên tiếp từ giữa tháng 10-2016 đến nay tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đã làm 126 người chết; gần 400 nghìn nhà bị ngập, hư hại; hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu ngập, khả năng mất trắng… Đây là những con số không hề nhỏ. Mặc dù các bộ, ngành liên quan đều khẳng định đã cố gắng hết sức, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm.
Phối hợp chưa đồng bộ
Từ đầu năm 2016 đến nay trên phạm vi cả nước, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, từ giữa tháng 10 liên tiếp xảy ra năm đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với mức độ cực đoan, bất thường và kéo dài. Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng hai tháng qua ở nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước đang phải xả lũ; ngập lụt nghiêm trọng ở tất cả các tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, sạt lở, sản xuất bị đình trệ, đời sống người dân trong vùng thiên tai vô cùng khó khăn, tổn thất nặng nề. Mặc dù các cấp chính quyền, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ cho nên đã hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Vẫn biết, thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là ngoài yếu tố bất thường của thời tiết, còn có sự chủ quan, chưa chủ động ứng phó với lũ, lụt của người dân và cơ quan chức năng.
Sau mưa lũ mới thấy công tác quy hoạch, xây dựng các công trình thiếu sự đồng bộ, hiệu quả, dẫn đến những hậu quả thiên tai khó lường. Đơn cử như tỉnh Phú Yên vừa xây dựng hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải cho TP Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu, với mức đầu tư 329 tỷ đồng, nhưng trong hai trận lụt vừa qua, mức ngập lụt của thành phố không hề giảm. Sau mỗi cơn mưa trung tâm TP Tuy Hòa bị ngập sâu hơn một mét, cao hơn trước khi chưa có dự án. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên) Bùi Văn Thành cho biết, đợt lũ nặng nề này nhấn chìm cả thôn Mỹ Phú 2 một phần vì quốc lộ 1 nâng cấp qua khu vực này cao hơn mặt đường cũ 0,5 – 1m, trong khi các cống thoát nước lại không được mở rộng. Ông Thành cho hay khi nâng cấp quốc lộ 1, ông đã nhiều lần có ý kiến với Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) cho mở rộng các cống thoát nước ở khu vực này nhưng không được chấp thuận.
Trong các đợt lũ lịch sử vừa qua, Bình Định bị thiệt hại nặng nhất. Cả tỉnh có 41 người chết, hơn 500 nhà bị sập; toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đều bị ngập. Năm trận lũ liên tiếp kéo dài 44 ngày, lượng mưa trong hơn một tháng cao hơn lượng mưa trung bình của cả năm, gây ngập lụt trên diện rộng. Phương châm “bốn tại chỗ” tuy được chuẩn bị khá tốt trước đấy, đã tỏ ra không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của lũ lụt kéo dài và ngập sâu trên diện rộng. Nói về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng: “Trong thực tế, khi thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” đã bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, nhất là khi lũ chồng lũ, gây ngập sâu trên diện rộng và kéo dài. Trong năm đợt lũ vừa qua, hầu như phương châm “bốn tại chỗ” rất khó phát huy được những ưu điểm vốn có của nó. Bởi lẽ, nước dâng quá nhanh cho nên chỉ trong một thời gian ngắn nhiều địa phương đã bị cô lập hoàn toàn. Nhiều nơi, các phương tiện cứu hộ còn rất thiếu và thô sơ. Trong khi đó, các công trình dân sinh tránh lũ chưa được đầu tư xây dựng nhiều cho nên để cứu được dân, các lực lượng chức năng phải mất nhiều công sức, thời gian di chuyển dẫn đến hiệu quả công tác cứu hộ chưa cao. Đối với cán bộ cơ sở, nhà của họ cũng bị thiệt hại nặng do lũ cho nên không còn nhiều thời gian lo việc chung…”.
Các đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua ở tỉnh Quảng Ngãi cho thấy cường độ lũ trên các sông rất mạnh, mực nước lên nhanh và chiều sâu ngập lũ tăng đã làm nhiều khu dân cư bị cô lập nhiều ngày… Trong khi đó, công tác cảnh báo và ứng phó với mưa lũ còn nhiều bất cập. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, trong thời gian xảy ra mưa lũ, công tác điều hành, chỉ đạo còn nhiều lúng túng. Có xã, thôn chủ quan không nắm bắt kịp tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp cho nên khi nước sông lớn dâng nhanh đã gây cô lập nhiều khu dân cư, có hộ dân phải ứng cứu trong đêm đến nơi an toàn. Mặc dù các địa phương đã xây dựng công tác “bốn tại chỗ”, nhưng thực tế hiệu quả còn thấp, sự chuẩn bị về lương thực, vật tư, phương tiện và huy động lực lượng tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu để phục vụ ứng cứu khẩn cấp đối với người dân vùng lũ khi gặp nguy hiểm.
Cần nhiều giải pháp cấp bách
Trong các đợt lũ vừa qua, các cấp chính quyền, người dân địa phương đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, cho nên đã hạn chế được mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, tổn thất về người như nêu trên là quá lớn. Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường, ngay sau khi có dấu hiệu về mưa lớn diện rộng, trung tâm đã có chỉ đạo sát sao trong công tác dự báo. Tuy nhiên, lượng mưa lớn, diễn biến phức tạp, cho nên tại một số thời điểm dự báo vẫn chưa sát thực tế. Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề do mưa lũ là vì một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để Công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh. Ngoài ra, công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, ra-đa, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và sớm hơn. Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản đồ ngập lụt, phương án bảo đảm an toàn hạ du. Cùng với đó, việc vận hành điều tiết, xả lũ, cũng như thông tin về vận hành xả lũ của một số hồ chứa còn bất cập, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du, cũng như thông tin xả lũ đến người dân còn hạn chế, gây thiệt hại.
Cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các đợt mưa lũ vừa qua cho thấy, đây là những đợt mưa lũ vào loại đặc trưng, điển hình ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Nguyên nhân gây mưa đều là những hình thế thời tiết gây mưa điển hình ở khu vực miền trung và đều được nhận diện từ khá sớm. Tuy nhiên tổng lượng mưa, cường độ mưa xảy ra quá lớn, trên một khu vực rộng vượt quá khả năng nhận định của dự báo, đây là bài học thực tế sâu sắc đối với những người làm công tác dự báo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi Trần Quang Hoài cho biết, trước thực tế thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra, Chính phủ, các bộ, ngành đã nhanh chóng tổng hợp nhu cầu hỗ trợ ban đầu, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh. Tuy nhiên, thực tế công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai còn chậm, quy trình, thủ tục hỗ trợ rườm rà, chưa kịp thời; nguồn kinh phí hỗ trợ khó khăn, chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với yêu cầu của địa phương. Về lâu dài, cần tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ, đánh giá ảnh hưởng, tác động tới đời sống, cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong hai đợt mưa lũ vừa qua, đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ bảo đảm phòng, chống lũ hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát việc xả lũ của các hồ chứa, điều chỉnh phù hợp với thực tế để bảo đảm tích nước, phục vụ sản xuất năm 2017.
Mặt khác, cần đẩy mạnh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm chủ động xử lý kịp thời các tình huống bất thường nhưng đã trở thành tình huống bình thường. Nâng cao công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, ra-đa, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dự báo mưa lũ. Huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư xây dựng nhiều hơn nữa các trạm đo mưa, mực nước tự động tại cộng đồng, nhất là đối với các vùng thường xuyên bị ngập lũ, sạt lở đất… Muốn giảm được thiệt hại do mưa lũ thì công tác dự báo phải được đặt lên hàng đầu. Dự báo có chính xác thì công tác chỉ đạo, điều hành mới đúng, trúng. Vì vậy, về lâu dài, cũng cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác dự báo. Đồng thời, thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung trạm đo mưa, xây dựng các trạm đo mưa cộng đồng, trạm cứu hộ ở các tỉnh miền trung (nhất là khu vực Bắc Trung Bộ), đầu tư phương tiện, trang, thiết bị phù hợp thực tế địa phương, củng cố lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn để xử lý các tình huống phức tạp và chủ động sơ tán dân khi có lũ lớn. Triển khai các giải pháp ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan.